Mali tin tưởng hoàn toàn vào nhóm trung gian hòa giải quốc tế

Chính phủ Mali ngày 6/4 tuyên bố tiếp tục tin tưởng hoàn toàn nhóm trung gian hòa giải quốc tế do Algeria đứng đầu đối với tiến trình đối thoại hòa bình tại quốc gia này.
Nhân viên an ninh Mali điều tra tại hiện trường xảy ra vụ tấn công khủng bố. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Mali ngày 6/4 tuyên bố tiếp tục tin tưởng hoàn toàn nhóm trung gian hòa giải quốc tế do Algeria đứng đầu đối với tiến trình đối thoại hòa bình tại quốc gia này.

Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, Chính phủ Mali cho rằng thỏa thuận hòa bình được ký ngày 1/3 tại Algiers vừa qua dưới sự bảo trợ của nhóm trung gian hòa giải quốc tế là một công cụ nhằm đạt được hòa bình tại Mali và cho toàn bộ khu vực.

Thỏa thuận hòa bình và hòa giải dân tộc trên là kết quả của tiến trình đối thoại kéo dài 8 tháng với sự tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm các phong trào vũ trang và các tổ chức xã hội dân sự.

Chính phủ Mali khẳng định nỗ lực vì nguyện vọng chính đáng của toàn thể người dân nước này và sẽ làm tất cả những gì có thể để đem lại hòa bình cho đất nước, đồng thời kêu gọi các lực lượng phiến quân Tuareg, bao gồm cả Phong trào Dân tộc Giải phóng Azawad (MNLA) sớm ký vào thỏa thuận trên.

Cùng ngày tại Algiers, phái đoàn của MNLA đã tiến hành gặp gỡ lãnh đạo Algeria và đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc, đồng thời là người đúng đầu Phái bộ của Liên hợp quốc tại Mali, ông Mongi Hamdi.

Thông cáo báo chí của MNLA cho biết tại các cuộc gặp trên, các bên đã thảo luận một cách có hiệu quả những vấn đề nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình vì lợi ích của Azawad nói riêng và của Mali nói chung, cũng như sự ổn định của tiểu vùng.

Trước đó, ngày 1/3, Chính phủ Mali đã ký thỏa thuận hòa bình với một số nhóm phiến quân ở miền Bắc Mali.

Theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, đây sẽ là một giai đoạn quan trọng trong tiến trình đối thoại giữa các bên nhằm giải quyết khủng hoảng tại quốc gia này. Tuy nhiên, liên minh vũ trang Tuareg yêu cầu có thêm thời gian để tham vấn trước khi ký kết thỏa thuận hòa bình.

Mali rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự tháng 3/2012 khiến miền Bắc nước này trở thành sào huyệt của AQIM, nhánh khủng bố của Al-Qaeda ở Bắc Phi, và một số lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Quân đội Pháp và các nước châu Phi đã can thiệp quân sự vào Mali từ tháng 1/2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục