Mali tiến hành bỏ phiếu trưng cầu dân ý mở đường cho bầu cử

Chính quyền quân sự nắm quyền lãnh đạo Mali sau 2 cuộc đảo chính cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý trong một phần của quá trình chuyển tiếp sang nền dân chủ dưới áp lực từ Cộng đồng kinh tế Tây Phi.
Lãnh đạo chính quyền quân sự, Đại tá Assimi Goita (giữa), cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/6, người dân Mali sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc thay đổi hiến pháp mà chính quyền quân sự và các quốc gia trong khu vực đã cam kết nhằm mở đường cho bầu cử và trở lại chế độ dân sự.

Chính quyền quân sự, nắm quyền lãnh đạo Mali sau 2 cuộc đảo chính hồi năm 2020 và 2021, cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý trong một phần của quá trình chuyển tiếp sang nền dân chủ dưới áp lực từ Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS).

Một số thay đổi trong dự thảo hiến pháp sửa đổi hiện gây tranh cãi - những người ủng hộ đánh giá các nội dung này sẽ góp phần tăng cường thể chế chính trị mong manh ở Mali, trong khi những người phản đối cho rằng sẽ trao quá nhiều quyền lực cho tổng thống.

Tuy vậy, các cơ quan khu vực và Liên hợp quốc cho rằng cuộc trưng cầu dân ý lần này là phép thử quan trọng để chính quyền quân sự thể hiện cam kết đối với quá trình chuyển tiếp dân chủ trên toàn quốc, đặc biệt là vào thời điểm các lực lượng Hồi giáo cực đoan đang đẩy mạnh hoạt động cuộc tấn công đẫm máu.

Hôm 16/6, trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống lâm thời Assimi Goita tuyên bố: “Với dự án này, chúng tôi đang đặt cược vào tương lai của đất nước, quá trình phục hồi quyền lực của đất nước, và niềm tin được lấy lại giữa các tổ chức và công dân. Bây giờ là lúc để xác nhận cam kết của chúng tôi về một đất nước Mali mới.”

Dự thảo sửa đổi hiến pháp bao gồm các nội dung cập nhật đã được đề xuất trong quá khứ mà những người ủng hộ hy vọng sẽ củng cố nền dân chủ và giải quyết tình trạng chia rẽ, trong đó có quy định thành lập cơ quan lập pháp thứ hai để tăng cường tính đại diện trên toàn Mali.

[Liên hợp quốc ủng hộ việc sửa đổi trong luật bầu cử ở Mali]

Kế hoạch thành lập một tòa án kiểm toán riêng dành cho ngân sách nhà nước cũng sẽ giúp Mali tuân thủ chỉ thị của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi.

Tuy vậy, một số đảng đối lập, nhóm ủng hộ dân chủ và các nhân vật vận động cử tri Mali bỏ phiếu “Không” nhấn mạnh các cơ quan được bầu một cách phi dân chủ chính quyền quân sự chuyển tiếp không có quyền giám sát chương trình sửa đổi hiến pháp quan trọng như vậy.

Họ cũng nhận định dự thảo hiến pháp sửa đổi trao quá nhiều quyền lực cho tổng thống, trong đó có quyền tham gia quá trình lập pháp.

Dự kiến, kết quả sơ bộ sẽ được công bố trong vòng 72 giờ sau cuộc trưng cầu dân ý. Cuộc bầu cử Tổng thống Mali cũng đã được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 2/2024./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục