Liên hợp quốc và Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 1/6 thông báo một binh sỹ và ba nhân viên dân sự thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) đã thiệt mạng trong hai vụ tấn công ở miền Bắc Mali.
Theo thông báo, một doanh trại của MINUSMA tại khu vực Water Tower gần thị trấn Gao bị tấn công bằng rocket và đạn pháo lúc 20 giờ 45 ngày 31/5 (giờ địa phương), làm một binh sỹ thiệt mạng và ba binh sỹ khác bị thương nặng. Các binh sỹ này đều được cử đến từ Trung Quốc. Ngoài ra, hơn 10 người trong đó có nhân viên dân sự của phái bộ bị thương trong vụ tấn công này.
Một nguồn tin quân sự tại châu Phi cho biết đây là lần đầu tiên binh sỹ Trung Quốc thuộc phái bộ Liên hợp quốc bị sát hại tại miền Bắc Mali.
Cùng ngày, một vụ tấn công khác nhằm vào doanh trại của MINUSMA tại Gao đã làm ba nhân viên dân sự (một người Pháp và hai người Mali) thiệt mạng.
Tổ chức chuyên giám sát các trang mạng Hồi giáo (SITE) có trụ sở tại Mỹ cho biết chi nhánh al-Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) thừa nhận đã tiến hành các vụ tấn công trên.
Phản ứng trước các vụ tấn công, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết ông lên án vụ tấn công vào phái bộ và dự định đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc "tăng cường vị thế và khả năng" của lực lượng gìn giữ hòa bình tại Mali.
Trong khi đó, phát biểu trong một buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 1/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố vụ tấn công là "hành động khủng bố" đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc và Mali tiến hành điều tra toàn diện để đưa những kẻ tấn công ra trước công lý.
Trưởng phái bộ MINUSMA Mahamat Saleh Annadif cũng kêu gọi chính quyền Mali truy lùng thủ phạm vụ tấn công và đưa ra trước công lý đồng thời tuyên bố không khoan nhượng với loại tội phạm này.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án vụ tấn công "bằng các ngôn từ mạnh mẽ nhất" và nhấn mạnh việc tấn công nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình có thể coi là tội phạm chiến tranh theo luật pháp quốc tế.
Mali rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 3/2012 khiến miền Bắc nước này rơi vào kiểm soát của lực lượng nổi dậy người Tuareg và các nhóm thánh chiến liên quan mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Quân đội Pháp và các nước châu Phi đã can thiệp quân sự vào Mali từ tháng 1/2013.
Mặc dù thỏa thuận hòa bình đã được ký kết vào tháng 6/2015 giữa Chính phủ Mali và liên minh nổi dậy do người Tuareg đứng đầu, nhưng một khu vực rộng lớn của quốc gia Tây Phi này vẫn nằm ngoài kiểm soát của chính phủ và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Riêng trong tháng Năm vừa qua đã xảy ra ba vụ tấn công nhằm vào MINUSMA, làm chết 12 binh sỹ, nâng tổng số binh sỹ Liên hợp quốc thiệt mạng tại đây trong ba năm qua lên 65 người. Đây là thiệt hại nặng nề nhất đối với lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đồng thời MINUSMA trở thành lực lượng chịu nhiều nguy hiểm nhất. Điều này làm dấy lên hoài nghi về tương lai của lực lượng này./.