Mali: Liên minh M5-RFP phản đối hiến chương của chính quyền quân sự

M5-RFP cho rằng bản cuối cùng của hiến chương không phản ánh được kết quả của cuộc đàm phán mà họ cho là đã bao gồm cả việc đa số ủng hộ cho một tổng thống lâm thời dân sự.
Phái đoàn M5-REP trước cuộc họp với các sĩ quan quân đội thuộc nhóm tự xưng Ủy ban quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) tại căn cứ quân sự Kati, gần thủ đô Bamako, Mali ngày 26/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phái đoàn M5-REP trước cuộc họp với các sĩ quan quân đội thuộc nhóm tự xưng Ủy ban quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) tại căn cứ quân sự Kati, gần thủ đô Bamako, Mali ngày 26/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phong trào đối lập tháng Năm (M5-RFP) tại Mali, lực lượng dẫn đầu các cuộc biểu tình chống chính phủ trước khi diễn ra cuộc đảo chính tháng trước, tuyên bố phản đối bản hiến chương chính trị do chính quyền quân sự thúc đẩy hôm 12/9.

Sau 3 ngày thương lượng với các thủ lĩnh chính trị và các nhóm dân sự xã hội, lộ trình của chính quyền quân sự là thành lập một chính phủ chuyển tiếp hoạt động trong vòng 18 tháng để đưa nước này chuyển sang chế độ dân sự sau cuộc đảo chính hôm 18/8 lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita.

Đáng chú ý, theo hiến chương này, tổng thống lâm thời có thể là dân sự hoặc quân sự và sẽ lãnh đạo trong thời kỳ chuyển tiếp 18 tháng trước khi tổ chức cuộc bầu cử.

M5-RFP cho rằng bản cuối cùng của hiến chương trên đã không phản ánh được kết quả của cuộc đàm phán mà họ cho là đã bao gồm cả việc đa số ủng hộ cho một tổng thống lâm thời dân sự.

[Mali: Phe đảo chính muốn một chính phủ chuyển tiếp trong hai năm]

Tuyên bố tối 12/9 của M5-RFP nêu rõ phong trào này rút khỏi văn kiện do không phản ánh được quan điểm và quyết định của người dân Mali.

Hôm 18/8, nhóm binh sỹ tự xưng Ủy ban Quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Keita, Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ.

Vài giờ sau đó, Tổng thống Keita tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội. Mặc dù sau khi chiếm quyền lãnh đạo Mali, lực lượng CNSP đã cam kết sớm tiến hành tổng tuyển cử song Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) vẫn áp đặt các biện pháp trừng phạt như đóng cửa biên giới, ngừng giao dịch thương mại.

ECOWAS yêu cầu Mali phải tổ chức bầu cử trong vòng 12 tháng, đồng thời cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ các cuộc tham vấn giữa chính quyền quân sự với các phe phái khác ở Mali./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục