Ngày 16/6, Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Dio đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sớm thông qua nghị quyết ủng hộ việc thành lập lực lượng đặc nhiệm tại khu vực Sahel của châu Phi, nhằm chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan đang tăng cường tiến hành những hoạt động khủng bố và buôn bán ma túy trong khu vực.
Theo Ngoại trưởng Mali, Tổng thống nước này Ibrahim Boubacar Keita, hiện là chủ tịch đương nhiệm của nhóm 5 quốc gia ở khu vực Sahel (G5 - bao gồm Mali, Niger, CH Chad, Mauritania và Burkina Faso) đã bày tỏ quan ngại trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chậm phê duyệt nghị quyết trên.
Điều này sẽ làm tình hình an ninh ở khu vực Sahel có nguy cơ trở nên ngày càng bất ổn, do các nhóm Hồi giáo cực đoan đang tăng cường những hoạt động khủng bố nhằm vào dân thường.
Theo Tổng thống Mali, việc thông qua nghị quyết này sẽ "phát đi một tín hiệu mạnh mẽ và rõ ràng của cộng đồng quốc tế tới các nhóm khủng bố và buôn bán ma túy."
[Mỹ phản đối triển khai lực lượng chống khủng bố ở khu vực Sahel]
Trước đó, Mỹ đã phản đối dự thảo nghị quyết do Pháp đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc cho phép G5 triển khai lực lượng quân đội tại khu vực Sahel để chống lại các nhóm khủng bố. Phía Mỹ cho rằng lực lượng đặc nhiệm G5 cần hoạt động độc lập mà không cần đến sự chấp thuận của Liên hợp quốc, giống như nhóm đặc nhiệm đang làm nhiệm vụ chống lại nhóm khủng bố Boko Haram tại khu vực Hồ Chad.
Theo dự thảo nghị quyết do Paris đệ trình, lực lượng đặc nhiệm của nhóm G5 được phép sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để tái lập hòa bình và an ninh tại khu vực Sahel, điều mà Washington coi là “một sứ mệnh quá lớn và thiếu chính xác.”
Tháng 4/2017, Liên minh châu Phi (AU) đã cho phép triển khai một lực lượng lên tới hơn 5000 người, bao gồm lực lượng quân sự, dân sự và cảnh sát của 5 quốc gia, tới làm nhiệm vụ tại khu vực Sahel trong thời gian 12 tháng./.