Malaysia tịch thu hơn 700kg vảy tê tê trị giá tới 2,1 triệu USD

712kg vảy tê tê được giấu trong 18 thùng hàng sử dụng giấy tờ giả mạo đã được phát hiện tại kho chứa đồ của sân bay Kuala Lumpur, giá trị của lô hàng lên tới 9,2 triệu ringgit (2,1 triệu USD).
Malaysia tịch thu hơn 700kg vảy tê tê trị giá tới 2,1 triệu USD ảnh 1Hải quan Malaysia trưng bày số vảy tê tê vừa thu giữ trong cuộc họp báo tại Sepang. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Nhà chức trách Malaysia ngày 8/5 cho biết các nhân viên hải quan nước này đã tịch thu khối lượng lớn vảy tê tê có trị giá tới 9,2 triệu ringgit (2,1 triệu USD) tại sân bay Kuala Lumpur.

Đây là số lượng vảy tê tê lớn nhất mà nhà chức trách Malaysia từng thu giữ tại nước này từ trước tới nay.

Phó Tổng Cục trưởng Hải quan Malaysia, ông Paddy Abdul Halim xác nhận các nhân viên hải quan đã phát hiện 712kg vảy tê tê tại kho chứa đồ của sân bay Kuala Lumpur.

Tại đây, lượng vảy tê tê này được giấu trong 18 thùng hàng sử dụng giấy tờ giả mạo. Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ động vật hoang dã và Công viên quốc gia Malaysia Rozidan Md Yasin cho rằng để có được số lượng vảy trên, khoảng 1.400 con tê tê có thể đã bị giết hại.

[Quan chức Trung Quốc gây xôn xao vì đãi khách bằng thịt tê tê]

Ông Paddy cho biết lượng vảy tê tê trên được chuyển đến từ châu Phi trong hai chuyến hàng riêng biệt. Chuyến đầu tiên gồm 8 thùng từ Accra (Ghana) được chuyển đến Malaysia qua Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) trên một chuyến bay của hãng Emirates Airlines và bị tịch thu trong ngày 2/5.

Chuyến thứ hai là 10 thùng còn lại, được chuyển tới từ thủ đô Kinshaha (Cộng hòa Congo) trên chuyến bay của hãng Kenya Airways tới Nairobi của Kenya. Tại đây, lô hàng vảy tê tê này lại được chuyển sang một chuyến bay của hãng Emirates Airlines tới Dubai và tuồn sang Malaysia.

Lô hàng này bị tịch thu trong ngày 4/5.

Cơ quan chức năng Malyasia đang tiến hành điều tra khả năng hai lô hàng này có liên quan đến nhau.

Hiện, chưa có đối tượng nào bị bắt giữ liên quan đến vụ việc và cơ quan chức năng cũng chưa xác định được liệu Malaysia có phải là điểm đến cuối cùng của lô hàng phi pháp nói trên hay không.

Từ trước tới nay, các nhà hoạt động bảo vệ động vật hoang dã luôn coi Malaysia là điểm trung chuyển của hoạt động buôn lậu phi pháp các loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng tới các nước châu Á khác.

Theo số liệu thống kê, cả 8 loài tê tê trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Theo công ước của Liên hợp quốc, vẩy tê tê là mặt hàng bị cấm buôn bán trên toàn toàn cầu. Tuy nhiên, tại một số nước châu Á vảy tê tê lại rất có giá trị vì được cho là thuốc quý chữa bệnh, do đó đã trở thành thị trường hàng đầu tiêu thụ mặt hàng cấm này./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục