Malaysia thay đổi tiêu chí chuyển giai đoạn Kế hoạch Phục hồi Quốc gia

Tiêu chí về số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày tại Malaysia sẽ được thay thế bằng số bệnh nhân nhập viện, và đó là những bệnh nhân có triệu chứng nặng từ mức độ 3 tới mức độ 5.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kuala Lumpur (Malaysia). (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Chính phủ Malaysia sẽ không sử dụng tiêu chí về số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày để xác định mốc chuyển giai đoạn trong Kế hoạch Phục hồi Quốc gia (NRP), thay vào đó là số ca mắc có triệu chứng nghiêm trọng.

Theo Bộ trưởng Điều phối NRP kiêm Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Tengku Abdul Aziz, nguyên nhân là do cùng với sự gia tăng về tỷ lệ dân số được tiêm vaccine, đa số người mắc mới COVID-19 hoặc là không có triệu chứng (mức độ 1) hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (mức độ 2), không làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế.

Giờ đây, muốn đánh giá một khu vực có thể tiến tới giai đoạn 3 trở lên hay không, dữ liệu quan trọng hơn là số lượng bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nặng từ mức độ 3 tới mức độ 5.

Vì vậy, tiêu chí về số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày sẽ được thay thế bằng số bệnh nhân nhập viện và đó là những bệnh nhân từ mức độ 3 tới mức độ 5.

Tuy nhiên, 2 tiêu chí chuyển giai đoạn còn lại là tỷ lệ sử dụng giường điều trị tích cực (ICU) và tỷ lệ dân số hoàn thành tiêm chủng vẫn giữ nguyên.

[Malaysia vượt ngưỡng 1 triệu ca, Lào ghi nhận ca nhiễm mới sau cách ly]

Ông Zafrul Aziz cho biết thêm căn cứ vào đánh giá của Bộ Y tế Malaysia, tiêu chí để chuyển NRP từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3 là chỉ có 3/100.000 dân nhập viện hoặc số người nhập viện trong cả nước không vượt quá 1.000 người/ngày.

Giai đoạn 3 chuyển sang giai đoạn 4 là chỉ có 1,3 người/100.000 dân nhập viện hoặc mỗi ngày cả nước chỉ có 400 bệnh nhân nhập viện.

Trước đó, ngày 15/6, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố NRP, trong đó nêu rõ việc chuyển giai đoạn NRP được căn cứ trên 3 tiêu chí là số ca mắc mới hàng ngày, tỷ lệ sử dụng ICU và tỷ lệ tiêm chủng.

Malaysia đang ở trong giai đoạn 1 của NRP. Do vậy, nước này muốn chuyển sang giai đoạn 2 cần đáp ứng: Số ca mắc mới dưới 4.000 ca/ngày, tỷ lệ sử dụng ICU ở mức trung bình và 10% dân số được tiêm chủng.

Ngày 5/8, số ca mắc mới COVID-19 ở Malaysia đã vượt 20.000 ca và tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 23%. Tuy nhiên, nhiều khu vực ở nước này đã chuyển sang giai đoạn 2.

Theo Bộ trưởng Zaiful Aziz, sau khi thay đổi tiêu chí chuyển giai đoạn của NRP, các địa phương như Perlis, Sarawak và Labuan đã đủ điều kiện chuyển từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3, trong đó, Perlis đã đáp ứng mọi tiêu chuẩn.

Cùng ngày, Cục Quản lý Dược phẩm (DCA) thuộc Bộ Y tế Malaysia đã phê duyệt có điều kiện việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Moderna (Mỹ). Đây là vaccine ngừa COVID-19 thứ 7 được quốc gia Đông Nam Á này cấp phép sử dụng đến nay.

Vaccine của hãng Moderna được DCA phê duyệt là loại do hãng Rovi Pharma Industrial Services ở Tây Ban Nha sản xuất và hãng Zuellig Pharma Sdn Bhd là chủ sở hữu đăng ký sản phẩm tại địa phương.

Giống như vaccine của Pfizer, vaccine của Moderna cũng là vaccine gồm 2 mũi, sử dụng công nghệ mRNA và đã chứng tỏ hiệu quả cao trong phòng chống COVID-19 trong các thử nghiệm.

Trước đó, Malaysia đã phê duyệt sử dụng có điều kiện 6 loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer, AstraZeneca, Sinovac, Jansen, CanSino và Sinopharm, trong đó, vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) là loại duy nhất do khối tư nhân phân phối.

Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) cũng sẽ do khối tư nhân quản lý trong bối cảnh đơn đặt hàng của chính phủ Malaysia đã được hoàn thành và Chương trình Tiêm chủng quốc gia (NIP) sẽ sử dụng nốt số vaccine hiện có mà không đặt hàng thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục