Malaysia, Singapore siết quản lý mạng xã hội để ngăn lừa đảo trực tuyến

Hiện nay, các hoạt động mạng độc hại không ngừng gia tăng ở các nước Đông Nam Á, trong đó tấn công giả mạo (phishing), mã độc tống tiền (ransomware) và lừa đảo là những vấn đề cấp bách nhất.

Biểu tượng mạng xã hội Instagram và Facebook. (Ảnh: AFP)
Biểu tượng mạng xã hội Instagram và Facebook. (Ảnh: AFP)

Malaysia và Singapore đang tăng cường quản lý đối với một số phương tiện truyền thông xã hội, nền tảng nhắn tin và trang web mua sắm phổ biến nhất, nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo trực tuyến và gây hại đối với trẻ em.

Hiện, các quốc gia Đông Nam Á có số lượng người dùng mạng xã hội tương tác nhiều nhất thế giới. Theo các chuyên gia, việc triển khai rộng rãi các dịch vụ trực tuyến có thể dẫn đến sự gia tăng các vụ lừa đảo trực tuyến.

Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Adrian Hia, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty an ninh mạng Kaspersky, cho biết tội phạm mạng thường khai thác các nền tảng thương mại điện tử và truyền thông xã hội nhờ tính ẩn danh mà các nền tảng này cung cấp.

Theo chuyên gia này, ở Đông Nam Á hiện nay, tấn công giả mạo (phishing), mã độc tống tiền (ransomware) và lừa đảo vẫn là những vấn đề cấp bách nhất.

Quy định mới của Malaysia dự kiến được triển khai muộn nhất là vào cuối năm nay sẽ yêu cầu các nền tảng trực tuyến phải đăng ký giấy phép và gia hạn giấy phép hằng năm.

Các nền tảng này gồm mạng xã hội như Facebook, X và TikTok cũng như các dịch vụ nhắn tin như WhatsApp. Nếu không thực hiện, các nền tảng sẽ bị coi là bất hợp pháp và bị phạt lên tới 500.000 ringgit (107.000 USD).

Theo Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC), mục tiêu chính của quy định nhằm đảm bảo một hệ sinh thái trực tuyến an toàn và bảo mật cho tất cả người dân Malaysia, đặc biệt là trẻ em.

Việc cấp phép của MCMC sẽ được áp dụng đối với các nền tảng được sử dụng bởi hơn 25% dân số Malaysia, tương đương 8 triệu người. Theo quy định mới, cơ chế “tự động tắt mạng” (kill switch) sẽ được áp dụng để loại bỏ các nội dung được coi là nguy hại.

Theo cảnh sát Malaysia, có 2,5 tỷ ringgit (535 triệu USD) đã bị mất do lừa đảo trực tuyến trong năm 2022.

MCMC cũng cho biết hơn 70% yêu cầu gỡ bỏ nội dung của chính phủ Malaysia có liên quan đến lừa đảo và cờ bạc trực tuyến.

Mặc dù Malaysia đã có luật để giải quyết các tác hại trực tuyến khác nhau nhưng lại không được áp dụng cho những người hoạt động ở nước ngoài.

MCMC cho biết hiện không có nghĩa vụ pháp lý nào bắt buộc các nền tảng này phải thực hiện các biện pháp chủ động chống lại các tác hại trực tuyến.

MCMC đang trong quá trình thương thảo với các nhà cung cấp nền tảng trực tuyến, những người cho biết cần có thời gian để thích nghi với các quy định mới.

Tại quốc gia láng giềng Singapore, hoạt động mạng độc hại cũng không ngừng gia tăng. Theo Cảnh sát Singapore, tổng số vụ lừa đảo đạt kỷ lục 46.563 vụ trong năm 2023, tăng 46,8% so với năm 2022, với tổng thiệt hại lên tới 651,8 triệu đôla Singapore (486 triệu USD), trong đó hàng đầu là lừa đảo thương mại điện tử.

Trong tháng Sáu, Bộ Nội vụ Singapore (MHA) đã ban hành quy định yêu cầu Facebook và Carousell, một trang mua bán đồ cũ tại nước này, xác minh danh tính của người bán mà họ cho là có rủi ro.

Năm 2023, hai nền tảng này liên quan đến hơn 70% số vụ lừa đảo thương mại điện tử.

Theo quy định, những người dùng phải được xác minh dựa trên hồ sơ do chính phủ cấp nếu họ quảng cáo hoặc đăng bài bán hàng và dịch vụ hoặc có ý định làm như vậy.

Nếu số vụ lừa đảo không giảm đáng kể vào cuối năm, MHA sẽ yêu cầu xác minh tất cả người bán.

Các quy định này nằm trong Đạo luật về tác hại hình sự trực tuyến, được Quốc hội Singapore thông qua vào năm ngoái.

Theo kế hoạch, vào cuối năm nay, các trang truyền thông xã hội và dịch vụ nhắn tin như Facebook, Instagram, Telegram, WeChat và WhatsApp sẽ đều phải triển khai các hệ thống và biện pháp phát hiện các hoạt động lừa đảo, độc hại, và gửi báo cáo hằng năm cho cơ quan chức năng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục