Ông Nazir Razak - người sẽ đóng vai trò là Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) khi Malaysia nắm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2025 - cho biết Malaysia sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực bằng cách tạo thêm nhiều thỏa thuận khu vực, giao dịch và sản phẩm trong khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ông Razak đã đưa ra thông điệp như vậy tại buổi ra mắt sản phẩm “Thẻ thông hành khám phá ASEAN” (ASEAN Explorer Pass) – thẻ thông hành thường niên, diễn ra tại thủ đô Malaysia vào ngày 25/4.
Theo quan chức này, Malaysia sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự về khu vực tư nhân cho ASEAN-BAC để đảm bảo 10 quốc gia thành viên tập trung vào các giao dịch mang lại lợi ích và đưa các nền kinh tế gắn kết và hội nhập nhiều hơn.
Ông nhấn mạnh, theo truyền thống, ASEAN-BAC chủ yếu tập trung vào những thay đổi và cải cách chính. Tuy nhiên, Malaysia mong muốn chương trình nghị sự của hội đồng trong năm 2025 sẽ tập trung nhiều hơn vào các giao dịch và thỏa thuận.
Vì vậy, việc ra mắt "Thẻ thông hành khám phá ASEAN" là ví dụ điển hình về một sản phẩm mang lại lợi ích cho hành khách bay trên chuyến bay của hãng hàng không Air Asia X của Malaysia để tham gia vào các cuộc họp về kinh doanh trong khu vực.
Ngoài ra, thẻ này còn mang đến cơ hội không giới hạn để khám phá các địa điểm du lịch ở ASEAN, đặc biệt là “những viên ngọc tiềm ẩn” trong khu vực, giúp quảng bá ASEAN. Khách du lịch toàn cầu có thể dùng thẻ này.
Theo ông Nazir, ASEAN-BAC đã và đang dẫn dắt nhiều dự án trên khắp các nước thành viên ASEAN với các cuộc họp trực tiếp và các cuộc họp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp đều rất hữu ích.
Với cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2025, Malaysia sẽ chủ trì cuộc họp ASEAN-BAC lần thứ 100 tại Kuala Lumpur vào năm 2025.
Kể từ khi thành lập năm 2003, ASEAN-BAC đã là cơ quan chính tư vấn cho các chính phủ về hoạt động kinh doanh trong khu vực./.
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Bảo đảm an ninh toàn diện cho khu vực
Với ASEAN, an ninh bao gồm rất nhiều lĩnh vực như chính trị, quốc phòng, kinh tế, xã hội, môi trường…, mỗi lĩnh vực đều quan trọng như nhau và việc bảo đảm an ninh đều phải toàn diện nhất có thể.