Nhà máy Lynas ở Malaysia đe dọa thế độc tôn về đất hiếm của Trung Quốc

Malaysia phá thế độc tôn đất hiếm của Trung Quốc

Việc nhà máy xử lý đất hiếm Lynas được mở tại Malaysia đe dọa phá thế độc tôn của Trung Quốc về vật liệu sản xuất quý giá này.
Việc Trung Quốc kiểm soát chặt đất hiếm, nguyên liệu tối cần thiết cho việc sản xuất mọi thứ, từ iPod tới tên lửa, có thể sắp kết thúc khi một nhà máy khai thác nguồn nguyên liệu quý này được khai trương ở Malaysia.

Công ty khai mỏ Lynas của Australia đã giành giấy phép hôm thứ Tư để xử lý đất hiếm nhập khẩu từ Australia tại nhà máy kể trên, hiện đã gần hoàn tất việc xây dựng, bất chấp sự phản đối dữ dội của các nhà hoạt động bảo vệ môi trường và những lo ngại về phóng xạ.

Giới phân tích nói rằng Nhà máy vật liệu tiên tiến Lynas (LAMP) ở bang Pahang sẽ đi tiên phong trong việc giúp nguồn cung đất hiếm trên toàn cầu tăng mạnh, và qua đó phá thế độc tôn của Trung Quốc đã làm giảm nguồn cung và khiến giá đất hiếm tăng cao trong mấy năm gần đây.

Một khi đi vào hoạt động, nhà máy có thể sản xuất khoảng 11.000 tấn đất hiếm mỗi năm, tức bằng 1/3 nhu cầu của thế giới, chưa tính Trung Quốc, trước khi tăng lên mức 22.000 tấn thường niên.

Theo Dudley Kingsnorth, một chuyên gia đất hiếm tại Công ty Khoáng sản Công nghiệp Australia, thực tế trên, cộng với việc người ta tiếp tục tìm thấy nguồn khai thác đất hiếm mới và việc tăng sản lượng từ các mỏ hiện có, sẽ dẫn tới sản lượng đất hiếm ở ngoài Trung Quốc tăng 10 lần lên mức 60.000 tấn mỗi năm vào năm 2016.

Kết quả là thế giới sẽ dư thừa đất hiếm vào năm 2016, bởi nhu cầu sử dụng vật liệu này ngoài Trung Quốc chỉ khoảng 55.000 tấn. "Một sự tăng lên tới 10 lần về sản lượng đất hiếm trong có 5 năm là vô cùng lớn" - Kingsnorth nói.

Trung Quốc, với nguồn khoáng sản giàu có, hiện đang thống trị trong lĩnh vực khai thác đất hiếm và cung cấp hàng cho 95% nhu cầu của thế giới.

Nhưng việc Trung Quốc áp đặt hạn ngạch xuất khẩu và giới hạn khai thác nhằm tăng cường kiểm soát các vật liệu giá trị này đã khiến giá đất hiếm tăng cao, buộc thế giới phải tìm nguồn cung khác phù hợp hơn./.
 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục