Trong bài viết đăng trên tờ The Nikkei Asian Review, cây bút William Pesek cho rằng sự đấu tranh giữa các chính trị gia và đảng phái tại Malaysia là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của nền kinh tế thứ ba Đông Nam Á.
Ngày 7/7 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 1,75%. Đây là lần giảm lãi suất thứ tư kể từ cuối tháng 1/2020 mà ngân hàng phải thực hiện.
Đáng lưu ý, vào năm 2009, tại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ lãi suất cơ bản của Malaysia không bao giờ thấp hơn 2%.
Có thể thấy đây là động thái khẩn cấp mà Thống đốc BNM, bà Nor Shamsiah Mohd Yunus, thực hiện nhằm tránh một cuộc suy thoái sâu. Tuy nhiên, những biện pháp cấp bách tương tự lại không được các quan chức cấp cao trong Chính phủ Malaysia hiện tại ưu tiên.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tàn phá nền kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin lại đang vướng vào cuộc tranh giành quyền lực trong nước.
Trong tháng Ba, ông Muhyiddin đã giành quyền lực khỏi tay cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, người trở lại nắm quyền điều hành Malaysia vào năm 2018 nhằm khôi phục niềm tin đối với chính phủ.
[Chặng đường thử thách của tân Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin]
Ông Mahathir không chịu từ bỏ và cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng vậy. Cựu Thủ tướng Mahathir, sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 vào thứ Sáu tới, tiếp tục kế hoạch giành lại quyền lãnh đạo Malaysia, có thể ông sẽ quay lại nắm quyền hoặc thông qua một đồng minh của mình.
Trong khi đó, ông Najib cũng đang nỗ lực cho sự quay trở lại sau khi bị bắt giữ do bê bối tham nhũng xung quanh Quỹ phát triển 1Malaysia (1MDB). Những điều này có thể khiến ông Muhyiddin phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Malaysia hiện đang đối mặt với một đại dịch tàn khốc. Quốc gia Đông Nam Á với 32 triệu dân đã nổi lên sau khoảng thời gian ba tháng phong tỏa như một trường hợp thành công về nhiều phương diện.
Số ca nhiễm COVID-19 chính thức tại nước này thấp hơn 9.000 trường hợp so với 45.000 ca tại Singapore. Và trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Malaysia sẽ giảm 3,1% trong quý II/2020, thì mức suy thoái này có thể là khiêm tốn khi so sánh với các quốc gia láng giềng khác.
Trong khi đó, vấn đề nổi bật nhất thời gian gần đây được dư luận Malaysia bàn thảo lại là về những tỷ phú trở nên nổi tiếng nhờ sự bùng nổ về nhu cầu găng tay cao su. Malaysia nắm giữ khoảng 65% thị phần của thị trường này và đã nhận thấy nhu cầu tăng vọt trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành.
Tuy nhiên, năm 2020 của quốc gia Đông Nam Á này vẫn đối mặt với triển vọng ảm đạm. Theo chuyên gia kinh tế Prakash Sakpal của ngân hàng ING (Hà Lan), ở cấp độ vĩ mô, nền kinh tế lớn thứ ba trong ASEAN phải đối mặt với một chu kỳ suy thoái mới được cho là tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng châu Á năm 1998.
Theo ông, xuất khẩu của Malaysia trong tháng 5/2020 đã giảm 25,5% so với cùng kỳ trong khi hoạt động sản xuất, gia công công nghiệp đã giảm 32% trong tháng Tư và sẽ tiếp tục đà giảm hơn nữa.
Điều đáng lo ngại, như WB đã chỉ ra, lạm phát trở nên trầm trọng hơn khi giá tiêu dùng giảm 2,9% trong tháng Năm, tiếp tục đi xuống trong tháng thứ ba liên tiếp. Đại dịch đã đẩy nhanh sự suy giảm giá năng lượng toàn cầu, khiến nhu cầu đối với dầu và khí đốt của Malaysia giảm trong khi dòng khách du lịch giảm mạnh.
Ở cấp độ vi mô, sự rối loạn trong chức năng và điều hành của các cơ quan chính phủ Malaysia đang tự chứng minh là lực cản trở trên mọi phương diện. Cả ông Najib lẫn ông Mahathir đều thất bại trong việc bác bỏ các chính sách hành động khẳng định có lợi cho người Malay chiếm đa số tại Malaysia.
Đặc quyền trong giáo dục, bất động sản, việc làm trong bộ máy công chức, giấy phép kinh doanh và các hợp đồng do chính phủ đầu tư đã duy trì một hệ thống mà bất lợi đối với người Malaysia gốc Hoa và Ấn Độ thiểu số.
Đồng thời đây cũng là nguyên nhân cản trở sự đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, năng suất lao động khi nhiều nhân tài của Malaysia đã sang Singapore, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Anh làm việc.
Bộ máy quan liêu cùng sự kém minh bạch trong hệ thống đã giúp cựu Thủ tướng Najib có cơ hội tạo ra một quỹ đầu tư của chính phủ vào năm 2009, vốn bị cáo buộc là các dự án "nuôi" ngân hàng và hỗ trợ bạn bè của chính trị gia này.
Cùng với việc ông Najib bị truy tố, 1MDB đã dẫn đến các cuộc điều tra từ Mỹ đến Thụy Sỹ tới Singapore và tổ chức tài chính Goldman Sachs cũng đứng trước nguy cơ bị phạt gần 2 tỷ USD.
Một thất bại chính sách khác là nội các của ông Muhyiddin không giải ngân các khoản tiền từ ngân sách chính phủ thành công. Đến nay, chính phủ đã công bố các gói kích thích kinh tế trị giá tới gần 70 tỷ USD.
Số tiền này tương đương 19% GDP của Malaysia. Tuy nhiên, các nhà kinh tế thuộc ING và nhiều tổ chức nghiên cứu lại cho rằng số tiền chi tiêu thực sự chỉ bằng gần 5,6% GDP.
Một lần nữa, vấn đề lại nằm ở sự bất hòa chính trị. Cuộc đấu tranh chính trị nội bộ đã khiến Malaysia càng khó khăn và khiến nợ quốc gia tăng tới mức trần 55% GDP. Thực tế này đã đặt bà Nor Shamsiah và BNM vào vị trí của người chèo lái con thuyền kinh tế.
Tuy nhiên, BNM chỉ có một vài đòn bẩy. Công cụ lớn nhất, điều chỉnh tỷ giá, không có nhiều giá trị tiềm năng vì hầu như mọi cơ quan tiền tệ đều làm như vậy. Điều này tương tự như việc bơm nước vào đại dương. Do đó, có thể thấy được tầm quan trọng và cần thiết của các gói kích thích của chính phủ đối với thúc đẩy tăng trưởng.
Phục hồi nhu cầu là một trò chơi của niềm tin. Malaysia cần đưa ra các nhân tố có thể thúc đẩy, khuyến khích nền kinh tế vốn đang bị tổn thương bởi dịch COVID-19 như hỗ trợ tiền mặt cho người dân, ưu đãi thuế và giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp không có liên kết với chính phủ.
Điều quan trọng hơn nữa là phải tiếp tục các cải tiến thể chế với phạm vi rộng hơn nhằm giảm sự quan liêu và chia rẽ, tạo sân chơi bình đẳng và khuyến khích khởi nghiệp bùng nổ. BNM có thể hỗ trợ các cải cách này thông qua việc thiết lập các cơ sở cho vay đối với các công ty có rủi ro cùng với việc duy trì hoạt động thanh khoản tiền tệ./.