Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 14/7, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Tun Hussein đã khẳng định lập trường của Malaysia về vấn đề Biển Đông.
Bộ trưởng Hishammuddin nêu rõ Malaysia vẫn giữ vững lập trường rằng các vấn đề liên quan đến Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình và trên tinh thần xây dựng thông qua đối thoại và tham vấn, sử dụng các kênh ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ông nhấn mạnh Kuala Lumpur luôn đặt ổn định khu vực là ưu tiên hàng đầu, do đó, nước này sẽ nỗ lực hết sức góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và tự do hàng hải quốc tế ở Biển Đông.
[Học giả Đức nhấn mạnh cơ sở pháp lý trong phán quyết PCA về Biển Đông]
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, Giáo sư, Tiến sỹ Valentin Yakushik, Khoa Quan hệ quốc tế và Khoa học xã hội thuộc Đại học quốc gia về nguồn sinh học và quản lý môi trường Ukraine, đánh giá phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) năm năm trước, trong đó bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông, đã đề cao nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
Ý kiến của Giáo sư Valentin Yakushik, cho rằng phán quyết của PCA có tính “bắt buộc thi hành” và được đưa ra trong khuôn khổ UNCLOS 1982, trong đó khẳng định các yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là hoàn toàn vô căn cứ và trái với luật pháp quốc tế.
Theo chuyên gia Ukraine, các tranh chấp quốc tế cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc giải quyết hòa bình, không sử dụng vũ lực./.