Theo Reuters, ngày 15/9, Malaysia cho biết một mảnh vỡ lớn của máy bay được phát hiện trên đảo Pemba, ngoài khơi Tanzania hồi tháng Sáu vừa qua là của máy bay bị mất tích mang số hiệu MH370 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines.
Trong một tuyên bố Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho biết mảnh vỡ là một phần cánh, sẽ được kiểm tra thêm để xem liệu vật chứng này có thể dẫn tới bất cứ điều gì liên quan tới các tình huống xung quanh vụ máy bay bị mất tích hay không.
Các nhà điều tra trước đó đã khẳng định một mảnh vỡ máy bay được phát hiện trên đảo Reunion của Pháp hồi tháng 7/2015 là một phần của máy bay MH370 chở 239 người bị mất tích hồi tháng 3/2014.
Hiện các nhà điều tra đang kiểm tra một số mảnh vỡ khác được tìm thấy ở Mozambique, Nam Phi và đảo Rodrigues thuộc Mauritius.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh hồi tháng 3/2014 đã biến mất khỏi màn hình radar.
Theo giả thiết, máy bay đã đổi hướng và kết thúc hành trình tại vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương.
Trong hơn hai năm qua, Australia đã điều phối một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn và tốn kém nhất trong lịch sử tại vùng biển rộng khoảng 120.000km2 ở phía Nam Ấn Độ Dương, được cho là nơi máy bay rơi.
Đến nay, hoạt động tìm kiếm đã được triển khai trên diện tích 105.000km2 trong khu vực trên, song chưa đạt kết quả khả quan.
Nhiều mảnh vỡ được cho là thuộc MH370 đã được tìm thấy trên các đảo Reunion và Mauritius cũng như ngoài khơi Nam Phi và Mozambique, nhưng vẫn chưa xác định được vị trí cuối cùng của chiếc máy bay.
Năm 2015, giới chức Australia, Malaysia và Trung Quốc - những nước có nhiều công dân trên chuyến bay xấu số, đã nhất trí không mở rộng khu vực tìm kiếm ở phía Nam Ấn Độ Dương do không có bằng chứng mới đáng kể nào cho thấy đó là nơi kết thúc hành trình của chiếc máy bay xấu số MH370./.