Chính phủ Malaysia đã có văn bản chính thức gửi tới Indonesia bày tỏ quan ngại về sự gia tăng số lượng các điểm nóng ở miền nam Sumatra và Kalimantan (Indonesia), dẫn đến tình trạng khói mù trên bán đảo Malaysia và bang phía đông Sarawak của nước này.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Malaysia G. Palanivel ngày 19/9 cho biết, Tổng cục trưởng Cục Môi trường Malaysia đã gửi văn bản chính thức cho đối tác phía Indonesia, kêu gọi các nhà chức trách Indonesia thực hiện các biện pháp ngăn chặn và dập tắt đám cháy gây khói mù xuyên biên giới.
Theo Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN có trụ sở tại Singapore (ASMC), khoảng 18 điểm nóng đã được phát hiện ở Kalimantan và 44 điểm nóng được phát hiện ở Sumatra ngày 19/9. Tuy nhiên, số lượng thực tế các điểm nóng có thể không xác định được chính xác do mây mù dày đặc.
Bộ trưởng Palanivel cho biết, có chín điểm nóng tại Malaysia, trong đó bang Kedah, Johor và Sabah mỗi bang có một điểm nóng, bang Terengganu có hai và bang Pahang có bốn điểm nóng.
Các điểm nóng này sẽ được điều tra và các nhà chức trách sẽ có biện pháp đối với những người chịu trách nhiệm về vụ việc này.
Hàng năm, Malaysia và Singapore thường phải chịu cảnh ô nhiễm không khí trầm trọng do khói bụi từ các đám cháy rừng ở miền Tây Indonesia gây ra. Đáng chú ý, các vụ cháy rừng từ tháng Sáu năm ngoái tới nay đã gây ra tình trạng ô nhiễm tồi tệ nhất kể từ một thập kỷ qua, khiến các nước láng giềng lên tiếng thúc giục Indonesia khẩn trương giải quyết vấn đề này.
Ngày 16/9, Quốc hội Indonesia đã phê chuẩn Hiệp định khói mù xuyên biên giới ASEAN. Theo quyết định phê chuẩn, chính phủ Indonesia có trách nhiệm tăng cường các chính sách và biện pháp hữu hiệu, sử dụng nhiều nguồn lực và phối hợp với nỗ lực chung của khu vực để đối phó với cháy rừng, qua đó ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường xuyên biên giới./.