Hợp tác đối phó thách thức

Malaysia kêu gọi châu Á hợp tác giải quyết thách thức

Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak kêu gọi các nước châu Á hợp tác cùng nhau để giải quyết ba thách thức chủ yếu của khu vực.
Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak đã kêu gọi các nước châu Á hợp tác cùng nhau để giải quyết ba thách thức chủ yếu của khu vực là biến đổi khí hậu, xung đột và phát triển để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và tương lai tốt đẹp hơn cho người dân.

Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 27 tại Kuala Lumpur tối 3/6, Thủ tướng Najib cho biết thách thức lớn nhất đối với châu Á ngày nay là biến đổi khí hậu do thời tiết thay đổi thường xuyên và khốc liệt hơn, thay đổi lượng mưa và mực nước các đại dương tăng.

Xét về chiến lược, Thủ tướng Najib cho rằng đó là mối đe dọa cấp số nhân, có khả năng khuếch đại rủi ro hiện tại, tăng bất ổn và làm xung đột dễ xảy ra. Cạnh tranh về các nguồn lực mới, thay đổi lãnh thổ và sự phá vỡ mô hình thương mại sẽ làm cho thế giới kém an toàn, trừ khi rủi ro khí hậu được kiểm soát.

Thủ tướng Najib cho biết do vị trí địa lý khu vực, những tác động của biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại nặng nề về dân số và kinh tế của khu vực. Châu Á, với các nền kinh tế phát triển nhanh chóng, đã góp phần vào biến đổi khí hậu và hiện đang là nguyên nhân của 17% lượng khí thải cácbon toàn cầu trong khi khu vực này sẽ phải chịu trách nhiệm đối với 40% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới trong thập kỷ tới.

Về vấn đề này, ông nói, Liên hợp quốc là hy vọng tốt nhất của khu vực về một giải pháp toàn cầu hướng tới giảm phát khí thải và phát triển các nền kinh tế ít cácbon.

Liên quan tới thách thức xung đột, ông cho biết sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc gây hấn và chạy đua vũ trang không được kiểm soát là những yếu tố có thể đe dọa hòa bình và tiến bộ trong nhiều thập kỷ.

Ông lưu ý rằng chi tiêu quốc phòng phải tương xứng với mối đe dọa mà khu vực phải đối mặt và không để cho khu vực này bị hút vào một cuộc chạy đua vũ trang.

Tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia và Vương quốc Anh đã cảnh báo rằng chi tiêu quốc phòng châu Á có thể trở thành một lực lượng gây mất ổn định dẫn đến rủi ro cao hơn về xung đột.

Đương đầu với bất đồng phức tạp giữa các quốc gia, châu Á phải đặt niềm tin vào các giải pháp ngoại giao, Thủ tướng Najib nói. Ông nhấn mạnh rằng các quốc gia nên chú ý đến các nguyên tắc cơ bản về ngoại giao để giải quyết, chẳng hạn như chủ quyền, bình đẳng, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp và cùng có lợi trong các mối quan hệ.

Bất kỳ sự chia rẽ do xung đột gây ra sẽ ảnh hưởng đến Biển Đông nơi mà 2/3 giao thương hàng hóa của thế giới đi qua, gây hậu quả cho nền kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Najib cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông được thông qua sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho việc đảm bảo rằng những bất đồng không leo thang giữa các quốc gia liên quan đến Biển Đông.

Về thách thức phát triển, Thủ tướng Najib nói rằng sự phát triển của châu Á phải đảm bảo mang lại cơ hội kinh tế cho tất cả không chỉ cho số ít người giàu; tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng xã hội quan trọng.

Ông cho biết châu Á là nơi có 2/3 số người nghèo nhất trên thế giới, cũng là nơi bị ảnh hưởng bởi khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo và sự phân chia giữa nông thôn và thành thị. Nếu không mang lại quyền lợi cho tất cả các công dân trong tương lai của khu vực, châu Á có nguy cơ khích lệ căng thẳng sắc tộc, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và bất ổn chính trị, ông nói.

Để vượt qua những thách thức này, theo Thủ tướng Najib, châu Á cần hướng tới xây dựng các kết nối kinh tế mạnh hơn thông qua các nền tảng như ASEAN, Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương và Quan hệ đối tác kinh tế khu vực toàn diện./.

Kim Dung/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục