Malaysia đóng cửa hơn 400 trường học vì ô nhiễm khói mù

Lệnh đóng cửa được áp dụng với 347 trường tiểu học và 62 trường trung học cơ sở tại chín tỉnh của bang Sarawak. Tổng số học sinh phải nghỉ học vì việc này là hơn 150.000 em.
Trong ảnh: Khói mù bao trùm thủ phủ Kuching, bang Sarawak thuộc đảo Borneo, Malaysia ngày 9/9/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong ảnh: Khói mù bao trùm thủ phủ Kuching, bang Sarawak thuộc đảo Borneo, Malaysia ngày 9/9/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ Giáo dục quốc gia Malaysia ngày 10/9 cho biết hàng trăm trường học tại bang Sarawak đã phải đóng cửa sau khi chất lượng không khí giảm mạnh do khói mù.

Lệnh đóng cửa được áp dụng với 347 trường tiểu học và 62 trường trung học cơ sở tại chín tỉnh của bang Sarawak. Tổng số học sinh phải nghỉ học vì việc này là hơn 150.000 em.

Theo Bộ Môi trường Malaysia, chất lượng không khí ở nhiều nơi trong bang Sarawak được ghi nhận ở mức "có hại cho sức khỏe," khi Chỉ số ô nhiễm không khí (API) từ 120-186 điểm.

Theo quy định của nước này, API từ 0-50 là "tốt," từ 51-100 là "trung bình," từ 101-200 là "có hại cho sức khỏe," từ 201-300 là "rất độc hại" và từ 301 trở lên là "nguy hiểm." Trường học sẽ phải đóng cửa ngay lập tức nếu chỉ số API được ghi nhận trong một tỉnh vượt ngưỡng 200.

Trong khi đó, nhiều nơi trên Bán đảo Malaysia ghi nhận API từ 102-195, tệ nhất là tỉnh Rompin, thuộc bang Pahang, trong khi thủ đô Kuala Lumpur ghi nhận API ở mức 158 điểm.

[Thành phố Sydney của Australia ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu]

Trước đó, nhà chức trách địa phương đã cung cấp 500.000 khẩu trang cho người dân tại bang Sarawak. Chính phủ Malaysia cũng đang lên kế hoạch áp dụng công nghệ "gieo" mây làm mưa nhân tạo để giảm bớt khói bụi.

Bộ Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường hồi tuần trước cho biết nguyên nhân của tình trạng sương mù trên là do cháy rừng trong khu vực, đăc biệt là ở quốc gia láng giềng Indonesia do nông dân đốt phá rừng để thu hoạch dầu cọ.

Ngày 9/9, Malaysia đã đề nghị trợ giúp Indonesia khống chế các đám cháy rừng tồi tệ nhất trong 20 năm qua tại nước này. 

Trong những tuần gần đây, bản thân Indonesia cũng đã triển khai hàng nghìn nhân viên an ninh tới dập tắt các đám cháy rừng sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp tại sáu tỉnh trên đảo Sumatra và Borneo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục