Mai vàng Bình Định được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Ngày 3/2, tại thành phố Quy Nhơn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định tổ chức Lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Mai vàng Bình Định” theo Quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Người dân đi Mai vàng. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Ngày 3/2, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định tổ chức Lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Mai vàng Bình Định” theo Quyết định số 19/QĐ-SHTT ngày 25/1/2024 của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo đó, chỉ dẫn địa lý “Mai vàng Bình Định” có những tính chất, chất lượng đặc thù như đối với mai giảo, dấu hiệu phân biệt với các địa phương khác là có dáng long, hình chóp cành lá thưa hơn cúc (khối hình thóp, tán tứ diện); cụm rễ nổi u và màu sắc nâu đậm; thân khi nổi xù xì, u cóc, lồi sẹo, uốn lượn, hình tròn, xoắn ốc đi lên ngay từ gốc; các chi lá ngang, nhánh chủ thẳng đứng (nằm theo mặt phẳng, đều 4 hướng).

Tán chi dạng bánh, tán lá ngang (cành tán nằm ngang); màu đỏ tía trên đọt non hay lộc đỏ (dày mướt, hơi nhăn); lá xanh đậm, cứng cáp, răng cưa. Nụ hoa tròn nhọn đầu, to tròn-nhọn tròn, tròn dài, nhọn đầu; bông hoa tròn đều, nở rộng, vàng tươi, vàng sáng; hương nhẹ, mai hương thơm đậm dễ chịu; đài hoa xanh nhạt, vàng đậm. Cánh hoa vàng tươi, vàng nghệ; nhị hoa thân xanh nhạt, bao phấn màu vàng; nhụy hoa xanh nhạt…

Đối với cúc mai có dáng long, hình chóp, cành lá dày hơn mai giảo; ngọn và đầu cành lộc đỏ, mềm mướt; lá xanh đậm, dày tán hơn. Nụ hoa to tròn đầu, thon tròn, đỉnh tròn; nụ hoa tròn, cụm, cao dày, có tầng, lép; có màu vàng tươi, vàng đậm hơn mai giảo.

Đài hoa xanh nhạt, xanh vàng, nhạt hơn mai giảo; nhị hoa xanh nhạt, bao phấn nâu đậm (vàng nhạt hoặc đỏ nâu)…

Logo “Mai vàng Bình Định” có 3 màu chủ đạo: màu xanh biển và màu vàng nhạt, vàng và vàng đậm, phông chữ BÌNH ĐỊNH của logo là phông chữ kiểu UTM facebook K&T, màu xanh đậm. Bản đồ vùng địa danh bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai vàng bao gồm 7 huyện, thị xã, thành phố: Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trồng và kinh doanh sản phẩm cây mai vàng trên địa bàn huyện, thị xã và thành phố của tỉnh thực hiện các quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Định.

Đồng thời, cung cấp thông tin về chỉ dẫn địa lý Bình Định cho cây mai vàng nhằm minh bạch hóa thông tin và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, uy tín cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện kiểm tra, khiếu nại về vi phạm sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Định trên thị trường.

Bình Định là địa phương có thổ nhưỡng và khí hậu khác biệt với các địa phương khác trong cả nước, rất thích hợp cho cây trồng nhiệt đới nói chung và cây mai vàng nói riêng.

Từ xa xưa, mai vàng Bình Định sinh trưởng và nở hoa trên địa hình núi cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt của dải đất miền Nam Trung Bộ. Chính vì thế, đã tạo nên những quần thể rừng mai vàng. Từ cây hoang dại, người dân đã dày công gây trồng, lai tạo qua nhiều thế hệ nghệ nhân, trở thành vốn kinh nghiệm quý báu.

Đến nay, mai vàng Bình Định đã mang những nét đặc trưng riêng, được đông đảo người tiêu dùng trên cả nước biết tới và Bình Định cũng là một trong những tỉnh phát triển nghề trồng mai lớn nhất cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục