Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1978, đã ra đi mãi mãi trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, để lại niềm xót thương vô hạn với gia đình, người thân, nhân dân thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tang thương vẫn còn in dấu nơi căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm ven dòng sông Bồ (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà).
Chỉ sau 42 ngày giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền, anh Bình đã trở về với đất mẹ, để lại bao dự định còn dang dở. Anh đã mãi mãi ra đi khi mới 42 tuổi.
Nén niềm tiếc thương, ông Trần Xuân Đức, một người hàng xóm, cho biết ông không thể ngủ được suốt 3 đêm sau khi nghe tin anh Bình mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3.
Ông buồn rầu: "Sao ông trời nỡ đưa một người thật thà, tình cảm với dân như Bình đi đột ngột như vậy."
Ngay khi vừa cứu trợ cho gia đình người dân thiệt mạng do bão lũ tại xã Phong An (huyện Phong Điền), chưa kịp thay bộ áo quần đã ướt sũng, nhai vội gói mỳ tôm sống cho qua bữa, trưa 12/10, anh Bình lập tức cùng Đoàn công tác Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên-Huế đến Thủy điện Rào Trăng 3 khi nhận thông tin 17 công nhân mất tích tại đây do sạt lở.
Và thật đau xót, rạng sáng 13/10, khi chiếc áo mặc trên người còn chưa kịp hong khô, anh Bình cùng 12 thành viên trong Đoàn công tác bị vùi lấp dưới lớp đất đá ngổn ngang bao trùm các gian nhà Trạm quản lý và bảo vệ rừng (Tiểu khu 67).
Trong lòng các đồng nghiệp, anh Bình là một tấm gương sáng về tinh thần chịu khó, trách nhiệm và gần dân. Hơn một tháng trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền là quãng thời gian có không ít sóng gió, thách thức đối với anh.
"Bình là một cán bộ năng động, nhiệt huyết. Suốt đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại, phòng làm việc của Bình luôn sáng đèn từ sáng đến tối vì bận công việc điều phối chống dịch," nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền Trịnh Đức Hùng chia sẻ.
Chiến đấu với "giặc" COVID-19 chưa ngơi nghỉ, anh Bình lại tiếp tục xông pha vào công việc, khắc phục hậu quả bão số 5. Lúc ấy, huyện Phong Điền là một trong những địa phương ghi nhận thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Thừa Thiên-Huế với 2 người chết, 15 người bị thương và hơn 2.700 nhà bị tốc mái…
[Sạt lở đất Rào Trăng 3: Trang trọng lễ an táng các liệt sĩ tại Nghệ An]
Nhưng sóng gió lớn nhất trong cuộc đời anh Bình lại là lúc anh theo đoàn cứu hộ, tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3.
Chị Nguyễn Thị Thủy - chị gái anh Bình cho hay: "Ngày em đi chỉ kịp gọi vợ báo việc, dặn đưa con đi di tản. Đến chiếc áo ướt muốn thay cũng không kịp lội vào nhà lấy được vì mưa lũ lịch sử đã dâng cao hơn 1 mét tứ bề căn nhà."
Trong suốt những ngày mưa lũ ấy, anh Bình hầu như không có thời gian ở nhà. Anh chỉ kịp gặp mẹ già đang cấp cứu tại bệnh viện một lần, trở về nhà gác cao vài món đồ dùng đã cũ rồi giao nhờ vợ con cho người em vợ sống ở địa phương. Người đàn ông trụ cột trong gia đình ấy đã phải gác lại việc nhà để cống hiến hết mình cho việc công.
Tinh thần trách nhiệm và tình yêu quê hương của anh Bình còn được khẳng định rõ khi anh quyết định bỏ đi những cơ hội, công việc tốt tại Thành phố Hồ Chí Minh sau đại học, trở về quê nhà Phong Điền chăm bố mẹ già và lập nghiệp.
Đảm nhiệm nhiều chức vụ, vị trí nhưng ở bất cứ cương vị, nhiệm vụ nào, anh cũng làm hết sức mình, hoàn thành công việc. Anh Bình được người dân, đồng nghiệp tin yêu, tín nhiệm và sớm trở thành tân Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền.
Những ngày mưa lũ tháng 10/2020, anh Bình không ngại khó khăn, vượt lũ dữ trên dòng sông Ô Lâu, mang từng thùng mỳ, nước uống đến cho bà con vùng lũ xã Phong Hòa, Phong Bình (đều thuộc huyện Phong Điền).
"Gặp dân, anh luôn thăm hỏi tận tình từng giấc ngủ, miếng ăn của bà con và thúc giục cấp dưới phải rà soát kỹ các điểm lũ để hỗ trợ kịp thời. Anh Bình biết sau ảnh hưởng dịch bệnh, đến bão lũ, người dân thật sự rất khó khăn," một đồng nghiệp của anh Bình chia sẻ.
Có một điều ít ai biết là vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện ấy sinh sống trong một căn nhà cấp 4, được xây từ năm 1985, trải qua nhiều trận bão lũ lịch sử, tường nhà nứt nẻ, thấm dột và ẩm ướt.
Sau mưa lũ vừa qua, vết nước bùn tràn vào vẫn còn in dấu trên tường, vết nứt dưới khung cửa sổ vẫn còn ẩm ướt. Trong ngôi nhà ấy, tài sản đáng giá nhất là chiếc tivi đã lỗi thời.
Dù có người gợi ý muốn hỗ trợ anh xây sửa ngôi nhà để có chốn che mưa, che nắng vững chãi hơn nhưng anh Bình đã từ chối. Nay anh Bình bất ngờ đi xa mãi, tâm nguyện xây lại ngôi nhà mới khang trang hơn cho mẹ già, dựng lại nơi thờ tự đàng hoàng cho tổ tiên vẫn chưa thực hiện được.
Ngày đưa anh Bình trở về căn nhà cũ để tổ chức tang sự, mưa như trút nước. Nhưng mưa lớn không thể ngăn được người dân thị xã Hương Trà đến phụ giúp gia đình anh dọn dẹp lớp bùn dày để lại sau lũ trong các gian nhà, dựng rạp và lợp lại mái che tổ chức tang lễ cho anh.
Đông đảo người dân thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền cùng bạn bè từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội bỏ công việc, đội mưa gió đến viếng vị Chủ tịch huyện lần cuối với lòng tiếc thương vô hạn.
Bà Hoàng Thị Kim Cúc, hàng xóm của anh Bình, cho hay bà đã khóc rất nhiều khi hay tin anh Bình hy sinh. Đối với láng giềng, anh Bình đối xử với mọi người chan hòa, tình cảm, không làm mất lòng một ai. Là cán bộ huyện, anh sống chân chất như dân nên ai cũng thương yêu.
Ngày nhập viện, mẹ anh Bình chỉ hay tin con lao vào trận lũ cứu dân. Nhưng bỗng chốc nỗi lo của người làm mẹ trở thành nỗi đau khi bà đến bên linh cửu nhìn con lần cuối lúc tang lễ diễn ra tại Bệnh viện 268 (thành phố Huế, Thừa Thiên-Huế).
Nỗi đau bất ngờ mất con khiến mẹ già 71 tuổi gục ngã suốt nhiều ngày qua. Vợ và hai con anh Bình như người mất hồn, mắt đỏ hoe khi biết tin người chồng, người cha trụ cột trong gia đình ra đi đột ngột. Chị Trương Thị Mỹ Ni - vợ anh Bình chơi vơi sau nỗi mất mát quá lớn...
Ghi nhận sự hy sinh cao cả, dũng cảm quên mình đó, Thủ tướng Chính phủ đã cấp Bằng Tổ quốc ghi công và Chủ tịch nước ký tặng Huân chương Dũng cảm cho anh Nguyễn Văn Bình./.