Mai một nghề làm vật dụng đồ xôi truyền thống của người Mường

Trước kia, mỗi dịp Tết đến Xuân về, xóm Mường Cảng lại ngày đêm vang lên tiếng đục, tiếng đẽo cuốp - vật dụng đồ xôi của người Mường ở Hòa Bình.
Cuốp được hiểu là phần hông nồi làm bằng gỗ. Nó có tác dụng giúp cho phần thực phẩm phía trên biếng (đế nồi) chín đều bằng hơi nước. (Ảnh: Huyền Trang/Vietnam+)

Ngày trước, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, xóm Mường Cảng lại ngày đêm vang lên tiếng đục, tiếng đẽo cuốp (​chõ đồ xôi của người Mường). Tuy nhiên, công việc này không còn được ưa chuộng như trước...

Kỹ thuật làm cuốp

Đồ xôi bằng nồi gỗ là một trong những phong tục của người Mường ở tỉnh Hòa Bình. Tùy thuộc vào từng dân tộc và địa phương nơi họ sinh sống mà nồi đồ xôi này có tên gọi khác nhau. Người Thái gọi là coóng khẩu, còn đồng bào Mường gọi vật dụng này là cuốp...

Tại xóm Cảng (xã Bình Cảng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), bà Quách Thị Dìm (sinh năm 1961) thoăn thoắt tạo dáng trên khúc gỗ gạo. Đến nay, gia đình bà Dìm đã theo nghề này hơn hai mươi năm.

Sau khi cưa gỗ thành từng khúc nhỏ, bà Dìm phụ trách phần đục làm rỗng lõi và bào hoàn thiện. (Ảnh: Huyền Trang/Vietnam+)

Đa số vật dụng để làm cuốp được gia đình bà Dìm đặt thợ rèn làm riêng, không bán trên thị trường. Ngoài thân cây gạo ra, cuốp còn được làm bằng gỗ mít, nhội. Chúng có đặc tính là: gỗ mềm, có mùi thơm tự nhiên, không độc hại, dễ tạo hình cho cuốp.

Bà Dìm cho biết: “Gỗ cây gạo và mít khi làm cuốp sẽ chắc, bền hơn các loại gỗ khác, giữ được mùi thơm cho gạo khi nấu. Trung bình một thân cây gạo trưởng thành, tôi làm được mười lăm cái cuốp.”

Sau khi đã chuẩn bị sẵn thân gỗ để làm, bà cưa thân cây thành từng khúc gỗ nhỏ cao chừng 45 ​cm. Muốn có một chiếc cuốp thành phẩm, người làm phải mất rất nhiều thời gian.

Theo bà Quách Dìm, khâu đục tạo dáng là khó nhất. Vì nó quyết định đến chất lượng của cuốp khi sử dụng. Cho nên, người làm phải thật khéo léo, tỉ mỉ và dựa vào kinh nghiệm của bản thân khi đục.

Bào gỗ là công đoạn cuối cùng để hoàn thiện cuốp. (Ảnh: Huyền Trang/Vietnam+)

Sau công đoạn đục tạo hình, bà Dìm chuyển sang khâu bào hoàn thiện cho sản phẩm. Một chiếc cuốp hoàn thiện có thân hình trụ cao chừng 40 cm, miệng hình tròn rộng 20 cm. Dưới đế cuốp được bà Dìm đục bo nhỏ, giúp kiểm soát hơi nước...

“Muốn cho cuốp được bền đẹp, không bị nứt, người dùng nên nấu cuốp bằng nước muối. Gia đình tôi chủ yếu làm để bán cho người trong xóm, nên không dùng hóa chất để bảo quản gỗ,” ông Quách Văn Viền (chồng bà Quách Dìm) nói.

Trăn trở nghề làm cuốp

Nếu như các năm trước, cuốp được nhiều người ưa chuộng, tìm mua. Trong một tháng trước Tết 2016, bà Dìm bán được hơn hai trăm chiếc thì năm nay, con số này chỉ năm mươi.

Có lẽ bởi thế, người dân trong xã không còn mặn mà với nghề truyền thống này nữa. Những người trẻ như anh Bùi Vệ (25 tuổi, xóm Trung, xã Bình Cảng) cho rằng: “Làm cuốp bây giờ lạc hậu lắm, không nên giữ mãi những nét xưa cũ. Nên hướng đến những sản phẩm tiện lợi hơn như đồ nhôm, đồ đồng, giá thành có cao hơn nhưng dễ đặt mua.”

Thay vào đó, họ hướng đến những việc làm công nghiệp hơn, thu lợi nhuận cao. Nghề làm cuốp cũng vì thế mà mai một theo thời gian...

Bà Dìm luôn tỉ mỉ trong từng công đoạn làm cuốp. (Ảnh: Huyền Trang/Vietnam+)

Bà Dìm thì bảo, chính vì cái nghề sinh lãi ít, tốn công nhiều nên không mấy người theo làm. “Nếu trước kia, tất cả các hộ trong xã đều biết làm cuốp thì hiện nay, trong xã chỉ có gia đình tôi là còn theo nghề,” bà Dìm tâm sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục