Macedonia ấn định thời gian trưng cần ý dân về việc đổi tên nước

Quốc hội Macedonia đã nhất trí tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 30/9 tới về nỗ lực của nước này gia nhập NATO và EU cũng như thỏa thuận đổi tên nước đã nhất trí với Hy Lạp.
Macedonia ấn định thời gian trưng cần ý dân về việc đổi tên nước ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Macedonia. (Ảnh: KURIR/TTXVN)

Với 68 nghị sỹ ủng hộ trong tổng số 120 nghị sỹ, Quốc hội Macedonia ngày 30/7 đã nhất trí tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 30/9 tới về nỗ lực của nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) cũng như thỏa thuận đổi tên nước đã nhất trí với Hy Lạp.

Tháng 6 vừa qua, NATO đã mời Macedonia bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập tổ chức này, sau khi Skopje đạt thỏa thuận với Hy Lạp về việc đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia.

Ngày 25/7 vừa qua, đoàn đại biểu NATO cũng đã đến Skopje, gặp lãnh đạo nước này và thông báo bắt đầu đàm phán về việc Macedonia gia nhập NATO.

[Hội nghị thượng đỉnh NATO: Khối quân sự "mở cửa" với Macedonia]

Quốc hội Macedonia đã hai lần thông qua thỏa thuận lịch sử giữa nước này và Hy Lạp về việc đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia, bất chấp việc Tổng thống Gjorge Ivanov từ chối phê chuẩn thỏa thuận này.

Ngoại trưởng Macedonia Nikola Dimitrov đã nhấn mạnh rằng thỏa thuận đổi tên không làm mất bản sắc của Macedonia.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Talat Xhaferi cho biết ông đã lên kế hoạch để bản thỏa thuận này được đăng trong công báo chính thức mà không cần chữ ký phê chuẩn của Tổng thống Ivanov.

Trước đó, Tổng thống Ivanov đã từ chối phê chuẩn thỏa thuận về đổi tên của nước này, coi đây là một hành động vi hiến. Theo quy định, ông Ivanov có thể một lần nữa từ chối phê chuẩn, song không thể phủ quyết.

Tháng 6 vừa qua, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias và Ngoại trưởng Macedonia Nikola Dimitrov đã ký thỏa thuận lịch sử về việc đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia.

Theo thỏa thuận trên, Macedonia (lâu nay được chính thức biết đến với tên gọi là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia - FYROM) sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia, đồng thời Hy Lạp sẽ ngừng phản đối nước láng giềng phía Bắc gia nhập EU và NATO.

Macedonia phải sửa đổi Hiến pháp để đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận cũng như phải tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về việc này. Tuy nhiên, thỏa thuận lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của những phe phái theo đường lối cứng rắn ở cả hai nước do bên nào cũng đều cho rằng thỏa thuận là một sự nhượng bộ quá mức đối với phía bên kia.

Tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát vào năm 1991 khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập Liên hợp quốc với tên gọi là FYROM.

Tuy nhiên, Hy Lạp - một thành viên của EU và NATO, đã ngăn cản tiến trình gia nhập của Macedonia xuất phát từ tranh cãi liên quan tên gọi Macedonia trùng với một tỉnh miền Bắc Hy Lạp. Athens lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp về lãnh thổ với quốc gia láng giềng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục