"Mặc áo" mới cho ao hồ Thủ đô: Từ chủ trương đúng và trúng

Nhiều quận, huyện ở Hà Nội đã đẩy mạnh cải tạo ao hồ góp phần hạn chế ô nhiễm, chống lấn chiếm ao hồ, vừa làm đẹp nông thôn vừa điều hòa không khí, tiêu thoát nước.
Một ao của xã Trung Mầu (Gia Lâm) được cải tạo đẹp mắt. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Hiện nay, với giá trị “tấc đất, tấc vàng,” nhiều hộ dân ở cạnh ao hồ ngấm ngầm lấn, xây dựng công trình làm cho diện tích một số ao, hồ bị thu hẹp đáng kể.

Cùng với đó, tình trạng người dân xả chất thải khiến cho ao, hồ bị ô nhiễm trầm trọng. Không thể nhìn ao hồ bị bức tử, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương vào cuộc cứu ao hồ, không gian mặt nước.

Hồi sinh “ao chết”

Vào mùa Hè, cứ khoảng 17h chiều, ao làng Thiên xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức lại có khá đông trẻ em đến tập bơi, tắm mát. Ao làng Thiên từ lâu đã trở thành bể bơi miễn phí của người dân Dương Liễu. Nhưng ít ai ngờ rằng, trước 2016, ao làng Thiên là “ao tù nước đọng.” Không thể để “ao chết,” người dân trong làng đã kêu gọi nhau tự giác đóng tiền cải tạo ao.

Sau khi quyên góp được kinh phí, dân làng Thiên đã rút toàn bộ nước trong ao, dọn sạch rác thải, xử lý đáy ao. Sau đó kè ao, khoan giếng đưa nước vào, biến ao chết thành bể bơi.

Để phát huy hiệu quả sau khi cải tạo, địa phương đã đứng ra thành lập quy chế hoạt động và thành lập câu lạc bộ quản lý ao. Theo đó, mỗi năm ao làng Thiên sẽ được thay nước vài lần. Còn việc dọn vệ sinh được thực hiện hàng ngày để đảm bảo nước sạch cho người dân bơi lội.

Đáng nói, xã Dương Liễu đã đứng ra thành lập câu lạc bộ bơi, dạy bơi miễn phí cho con em địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em của Dương Liễu biết bơi luôn cao nhất huyện Hoài Đức. Không chỉ có vậy, câu lạc bộ bơi làng Thiên còn tổ chức giải bơi hàng năm vào cuối tháng 8, nhằm chào mừng ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9.

["Mặc áo" mới cho ao hồ Thủ đô: Gian nan 'cuộc chiến' giành không gian]

Ông Nguyễn Phi Hậu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bơi xã Dương Liễu chia sẻ, do dịch COVID-19 và chính quyền hiện nay đang cải tạo lại ao làng Thiên nên năm nay bể bơi không thể hoạt động. Trong thời gian tới, khi xã cải tạo xong thêm hai ao nữa trên địa bàn, câu lạc bộ sẽ đề xuất được tiếp quản và dạy bơi cho các con em địa phương.

Còn tại huyện Gia Lâm, sau khi ao hồ được cải tạo, huyện đều cho lắp đặt thêm ghế đá, dụng cụ thể thao là nơi vui chơi, luyện tập sức khỏe cho nhiều lứa tuổi. Thong thả tản bộ trên bờ ao Cống Nông được lát gạch tự chèn sạch sẽ, ông Nguyễn Xuân Sản nay 90 tuổi ở thôn Phú Dực (Phù Đổng) bày tỏ, vào những năm 2000, tại các xã Phù Đổng, Trung Mầu nổi tiếng Hà Nội với nghề chăn nuôi bò sữa.

Số hộ chăn nuôi lớn, lượng chất thải không được xử lý triệt nên nhiều hộ dân đã tuồn phân bò ra ao chung. Ao, hồ bị mất chức năng điều hòa không khí biến thành nơi chứa phân bò. Tình trạng ô nhiễm môi trường và lấn chiếm ao hồ đã làm cho làng xóm mất đoàn kết.

Song được sự hỗ trợ kinh phí xây dựng từ ngân sách, cộng thêm đóng góp của nhân dân và nhà hảo tâm, ao đã được kè bờ, làm bậc lên xuống. Giữa ao, nhân dân trong thôn đóng góp xây dựng thêm “Thủy đình bát giác,” càng tạo thêm vẻ thanh bình đẹp cho ao quê.

Ông Sản hào hứng: “Tôi thật không ngờ lại được nhìn thấy cảnh ao hồi sinh đẹp như vậy. Giữ được ao là giữ được hồn làng, con cháu đời sau còn có không gian chung vô cùng giá trị, phát huy, khơi gợi được nét đẹp văn hóa từ ao quê.”

"Tiểu công viên” trong làng

Nhìn chung, nhiều địa phương ở Hà Nội như Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh… ao hồ trước đây ô nhiễm hay bị lấn chiếm nay cũng được cải tạo hoặc đưa vào kế hoạch chỉnh trang.

Song, phong trào cải tạo ao càng được thực hiện mạnh mẽ hơn khi các địa phương của Hà Nội thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và phát triển huyện thành quận. Nhờ có nguồn vốn từ trên cũng như xã hội hóa, nhiều xã đã tiến hành kè bờ, xây đường dạo xung quanh, tạo cho bộ mặt thôn quê thêm khang trang sạch đẹp.

Có thể thấy, việc cải tạo ao cá Bác Hồ xã Kim Chung, huyện Đông Anh là một minh chứng rõ rệt cho chủ trương trên. Những năm trước Ủy ban Nhân dân xã Kim Chung đã cho một hộ dân thuê thầu ao cá Bác Hồ để thả cả và chăn nuôi.

Trong quá trình sử dụng, hộ gia đình này đã xây dựng một số kiốt trên bờ ao để cho thuê. Khi hết hạn thuê thầu, chính quyền xã đã yêu cầu hộ dân trả lại hiện trạng ao nhưng đã không nhận được sự hợp tác của hộ dân.

Ủy ban Nhân dân xã Kim Chung đã nhiều lần tuyên truyền vận động nhưng hộ dân không tự giác tháo dỡ công trình, thậm chí còn gửi đơn thư khiếu nại đi nhiều nơi gây mất trật tự địa phương.

Không thể vì lợi ích của một hộ dân, ảnh hưởng đến không gian chung của cả cộng đồng, Ủy ban Nhân dân xã Kim Chung đã quyết định cưỡng chế giải phóng mặt bằng để cải tạo lại cảnh quan ao cá kể trên.

Ông Nguyễn Văn Bảy, người dân chứng kiến cảnh chính quyền cưỡng chế giải tỏa vi phạm ao cá Bác Hồ bày tỏ quan điểm: người dân phấn khởi, tin tưởng vào việc làm của xã Kim Chung vì lợi ích chung. Giờ đây, ao được kè đá xung quanh, lắp đặt nhiều dụng cụ thể thao và ao cá Bác Hồ đã lột xác thành “tiểu công viên” trong làng.

Nêu kinh nghiệm kinh nghiệm cho việc giữ, cải tạo ao hồ trên địa bàn, ông Lê Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy Đông Anh bày tỏ, khi triển khai đề án kè ao hồ, nhiều đảng viên nhân dân cũng có ý kiến đặt câu hỏi sao không dành nguồn lực để làm đường giao thông, xây nhà văn hóa mà lại đi kè ao.

Mặt khác, khi quyết định cải tạo, kè ao hồ chính quyền gặp sự phản đối kịch liệt của các hộ liền kề vì họ bị thu mất phần đất đã lấn chiếm trước đây để trả lại cho không gian ao. Mất đi quyền lợi nhiều người dân gửi đơn, kiến nghị khắp nơi để đòi ao, gây sức ép cho chính quyền.

“Nếu người đứng đầu địa phương ngại va chạm, không vì lợi ích chung của cả cộng đồng sẽ không dám mạnh tay giữ ao. Như vậy về lâu dài, ao công sẽ bị thu hẹp, người dân mất không gian chung mà con cháu đời sau có muốn lấy lại cũng sẽ rất khó,” ông Lê Trung Kiên phân tích.

Bí thư huyện ủy Đông Anh cho biết thêm, trước khi triển khai kè ao, hồ, Ủy ban Nhân dân huyện giao cho xã, thôn công khai kế hoạch, bản vẽ thiết kế phối cảnh để người dân thảo luận. Khi người dân thấy được chủ trương đúng và trúng đã mạnh dạn đấu tranh phản đối những hộ dân cố tình lấn chiếm ao, không bàn giao ao cho tập thể quản lý và cải tạo.

Từ cách làm như vậy, huyện Đông Anh đã giữ được các ao làng. Hiện các ao của huyện đang lần lượt được đưa vào danh mục cải tạo và kè bờ, hướng tới xây dựng khuôn viên ao, hồ thành “tiểu công viên.”

Đa lợi ích nhiều mục tiêu

Cũng thực hiện đề án cải tạo ao hồ nhưng huyện Gia Lâm lại có cách làm riêng. Từ năm 2016, Ủy ban Nhân dân huyện yêu cầu các xã không được lấp ao, hồ trong khu dân cư để xây dựng các khu đô thị.

Tiếp đó, huyện cho thống kê toàn bộ các ao, hồ trên địa bàn để lập đề áo cải tạo. Tính đến nay, huyện Gia Lâm đã hoàn thành cải tạo, hồi sinh được 26/36 ao, hồ trên địa bàn, với nguồn vốn đầu tư, cải tạo lên tới hàng vài trăm tỷ đồng, được huy động từ ngân sách và xã hội hóa.

Theo ông Lê Anh Quân, Bí thư - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm, sau khi kè ao có nhiều lợi ích như: cảnh quan môi trường thôn quê khang trang hơn; không còn xảy ra lấn chiếm ao, hồ; khôi phục lại được nét đẹp văn hóa tại các làng quê gắn liền với bến nước, sân đình.

Trao đổi với một số lãnh đạo quận, huyện trên địa bàn Thủ đô được biết, việc cải tạo “ao tù nước đọng” xây “tiểu công viên” trong làng với bờ kè cứng, tách nước thải sinh hoạt riêng không để chảy xuống ao; xung quanh ao có lan can bảo vệ, được trồng cây bóng mát, cây hoa, đặt ghế đá, có điện chiếu sáng và các thiết bị tập thể dục ngoài trời... phải bắt nguồn từ quy hoạch.

Bài học kinh nghiệm của các địa phương trên là thực hiện tốt công tác quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới, giữ lại các ao hiện có. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả của công tác kè ao môi trường, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện.

Đánh về việc cải tạo cho ao hồ của các địa phương trên địa bàn, lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đều cho rằng, có nhiều lợi ích và đạt được nhiều mục tiêu khi triển khai. Đó là, vừa để làm đẹp nông thôn vừa điều hòa không khí, tiêu thoát nước; phục vụ cho việc phòng cháy, chữa cháy khi có sự cố xảy ra.

Ngoài ra, cải tạo ao hồ còn hạn chế ô nhiễm, chống lấn chiếm, thu lại đất ao đã bị lấn chiếm, tăng quỹ đất cho giao thông công cộng, tạo thành điểm sinh hoạt cộng đồng giúp nâng cao sức khỏe tăng sự đoàn kết trong khu dân cư, thôn xóm qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức trong khuôn viên ao hồ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục