Cách Đà Lạt hơn 20km là Ma Rừng lữ quán với những căn nhà gỗ tím như trong cổ tích nằm nép mình nơi rừng sâu. Ông chủ khá “dị” với vẻ ngoài hầm hố cùng chiếc quần rằn ri và cặp kính đen nhưng lại có ánh mắt hiền và giọng nói ấm áp.
Một nghệ sỹ nhiếp ảnh ưa phiêu lưu, từng “cầm đầu” cả nhóm phượt thủ xuyên Việt, “cày nát” các cung đường Tây Bắc, nhưng lại thích một cuộc sống lặng lẽ, bình yên. Một người dáng vẻ phong trần nhưng lại thích màu tím, mà “nói theo kiểu cải lương” như anh tự nhận là “hơi mơ mộng, thích những buổi chiều buồn…”
Và, cái cách “kẻ nghệ” quản lý một lữ quán cũng chẳng giống ai! Làm chơi thôi, không màng lợi nhuận; nhìn khách kéo đến đông cả chủ lẫn nhân viên đều “sợ xanh mắt;” khách nào thấy ưng bụng mới nhận ở lại ngủ đêm. Vậy mà khách vẫn cứ ùn ùn. Chẳng phải tay chơi, kiêu kỳ hay chảnh chọe gì đâu, vì có gặp rồi mới thấy, mới hiểu về cái sự lạ lùng trong con người ấy.
Tiên cảnh nơi thâm cốc
Bước vào Ma Rừng lữ quán giống như vừa đi ngoài phố đông, nắng bụi với chiếc áo chật chội, nay được rũ bỏ để an nhiên, thảnh thơi và nhẹ nhõm tận hưởng không khí tươi lành, tinh sạch cuối rừng.
Những vạt nắng chiều bừng lên lần cuối, lướt qua những tán lá, quét lên những mái nhà gỗ tím ngắt nhuốm màu cổ tích, ngẩn ngơ ngắm dải khói mềm mại như lụa thả vào chiều buông. Tôi lại nhớ ngày bé đọc truyện cổ tích đã mê mẩn những căn nhà gỗ trong rừng, vừa có vẻ gì bí ẩn, ma mị mà lại vừa cuốn hút.
Sáng sớm, chẳng còn gì thi vị hơn là ngồi nhâm nhi tách cà phê thơm bên dòng suối chảy róc rách vòng quanh hông nhà, lặng ngắm "mây lang thang buồn trôi" qua những ngọn thông reo đang vươn mình kiêu hãnh dưới vòm trời xanh; soi gương trên mặt nước bồng bềnh như bức tranh sơn thuỷ hữu tình; liễu thả mình duyên dáng bên hàng hoa giấy, hoa sim tím lịm; hơi sương đêm gặp nắng mai bốc lên bảng lảng cả mặt hồ… Bước vào đây, thấy lòng háo hức như trẻ thơ được quà, như được tiếp thêm nguồn năng lượng sống trong lành từ đất trời, cảnh vật và những mối đồng cảm yêu thiên nhiên hòa nhịp.
Đó là món quà đặc biệt mà anh Nguyễn Thanh Liêm – chủ nhân Ma Rừng lữ quán đã mang đến cho những lữ khách như tôi, sau chặng đường thật dài và mệt mỏi từ Hà Nội. Đặc biệt, chủ nhà thân thiện, tối đến khi đã nổi lửa trại lại mang đàn ra hát hò, giao lưu, kể chuyện tiếu lâm cùng khách. Không gian thân tình giống như trở về nơi quen thuộc, gắn bó. Khách đến đây giống như về nhà một người bạn, nhà người thân chứ không phải để nghỉ dưỡng giống như những resort khác. Tôi chia sẻ tất cả những cảm xúc đó với anh.
Bỏ phố lên rừng
Mười bốn năm trước, anh Liêm quyết định bỏ thành phố Đà Lạt về thôn Đạ Nghịt, xã Lát nằm trong lòng chảo thung lũng, mua khu đất rộng chừng 10.000m2, dựng nhà gỗ ở chơi vì “ngoài phố xe cộ ồn ào, náo nhiệt quá trong khi mình chỉ thích yên tĩnh.”
Thời gian đầu, anh làm giống như trang trại cho gia đình, trồng đủ thứ cây ăn trái và lấy đó làm phần thưởng cho các con, động viên chúng nếu học giỏi thì cuối tuần đưa vào đây chơi, lội suối, làm BBQ rồi ngủ lại một đêm dã ngoại trong rừng.
“Lúc đó tôi chỉ làm một căn nhà be bé thôi. Tụi nhỏ thích rồi bạn bè tụi nhỏ cũng thích. Khi bạn bè tới nhiều quá tôi bắt đầu mở rộng thêm một vài căn nhà gỗ cho họ nghỉ lại thoải mái hơn. Mình cứ gắn bó dần, rồi bạn bè động viên mở rộng kinh doanh mới thành như ngày hôm nay.” Và cứ thế, cùng hai ông thợ mộc, anh Liêm tỉ mẩn làm từng chi tiết, tỉa tót từng gốc cây, cành hoa, gọt đẽo từng thớ gỗ… để hoàn thiện hình dáng Ma Rừng năm 2012 và chính thức đưa vào kinh doanh từ 2013 với hai căn nhà gỗ tím cùng một căn nhà gỗ nguyên bản.
Điều đặc biệt khi bước chân vào lữ quán là tấm bảng quy định giá vé 10.000 đồng, và khách cứ tự giác bỏ tiền vào thùng chứ cũng chẳng ai đứng kiểm tra. Anh Liêm tự nhận mình là người “khó chịu lắm.” Ở chỗ, không phải cứ khách nào gọi đến đặt phòng là cũng gật đầu ngay, mà phải “điều tra” đôi điều, qua đó tìm hiểu xem họ có phải là người thích hợp với mình hay không, thích hợp với không gian Ma Rừng không, có phải là người mê thiên nhiên hay là người có hiểu biết hay không… Tìm hiểu xong thấy tạm ưng cái bụng anh mới nhận lời.
Thường vào mỗi Chủ Nhật, thứ Hai ở đây nhận rất ít khách hoặc không nhận khách, vì còn “bận” tiếp đón những nhóm bạn hữu từ khắp nơi.
Những nỗi “khiếp đảm”
Nhận được quá nhiều yêu mến của du khách gần xa cũng thành mệt mỏi và áp lực. “Tôi chỉ nghĩ mình làm chơi thôi nên khách nào cảm thấy thú vị mới nhận. Nếu khách nghĩ Ma Rừng như một khu resort, đến để hưởng thụ những dịch vụ thật tốt sẽ không có. Ở đây, thậm chí khách phải tự lấy nước uống chứ không có nhân viên phục vụ… Nói thật, bây giờ thấy đông khách bước vô là tôi chán ngán lắm. Vì mình thích yên tĩnh, nhẹ nhàng thôi, lượng khách vừa phải còn được chứ giờ họ kéo tới ùn ùn sợ quá. Cực vậy nên cũng nản quá chừng.”
Nhớ lại một kỷ niệm “khiếp đảm” hồi Tết 2015 vừa rồi, anh Liêm bảo dù Tết ở Ma rừng khoai lang đắt hơn gạo, anh và gia đình vẫn phải mua năm tạ khoai luộc lên mời khách miễn phí vì không làm món gì khác được. Chuối ngày thường treo hai buồng, ngày Tết treo 10 buồng ở sảnh cho khách ăn tự do cũng không xuể cho hơn 1.000 người ghé thăm mỗi ngày.
“Tôi nói thật là giống như ‘địa ngục’ vậy đó. Vì ở đây toàn người là người, đông khủng khiếp. Tất cả nhân viên của tôi và các trang thiết bị dành cho việc đón tiếp khách chỉ đủ đón tối đa 150-200 người. Giờ dư ra tới 700-800 người coi như không phục vụ được gì hết. Mọi thứ quá tải, con người quá tải, cảnh quan quá tải. Nhưng do xa trung tâm, cung đường dài hơn 20km băng rừng tới đây cũng khó khăn, nếu khách từ xa bỏ tiền bạc, thời gian chạy vào mà Ma Rừng đóng cửa thì tội quá. Bản thân tôi cảm thấy áy náy,” anh Liêm chia sẻ.
Người đàn ông có tâm hồn nghệ sỹ, nhưng bây giờ buộc lòng chấp nhận cuộc sống gò bó, tù túng trong không gian lữ quán, thì liệu rằng sẽ trụ được bao nhiêu lâu, tôi hỏi anh. Nhấp ngụm càphê chậm rãi, anh Liêm mới bảo: “Vẫn trụ được thôi. Chẳng qua là tôi hơi mệt mỏi. Nhất là vào dịp Tết, tôi thường xuyên phải động viên tinh thần nhân viên. Vì các em cũng mệt với sự thiếu ý thức của khách, họ đến rồi vứt rác tùm lum, bàn ghế tha lôi khắp nơi lộn xộn, nhân viên cứ dọn dẹp cả ngày chóng mặt mà không xong cũng tội.”
Hạnh phúc từ sự bận rộn
“Tôi cứ phải động viên rằng dọn dẹp đi các con, nhiều người họ chỉ mơ ước được như các con, có đôi chân để có thể tự đứng vững, để đi lại dọn dẹp hết cả cuộc đời này. Cách các con đang đi khỏe mạnh như vậy với nhiều người là cả niềm mơ ước, nên đừng bao giờ nhăn nhó, đừng bao giờ cho rằng công việc mình làm là nặng nhọc hoặc là không vừa ý. Tôi phải động viên như vậy để mấy em nhân viên thoải mái hơn, có thiện cảm hơn với khách… Kể cả khách có hỏi 100 lần thì cũng phải ôn tồn trả lời lễ phép.”
Hằng ngày, anh Liêm vẫn tự tay chăm chút cho Ma Rừng, cho cá ăn, tỉa cây, tiếp khách… Hằng đêm, khi sương đã giăng khắp các nhành cây, ngọn cỏ; khách đã về phòng nghỉ ngơi trả lại sự tĩnh mịch cho lữ quán, ông chủ lại đích thân kéo nước xịt rửa mọi thứ tinh tươm, sạch sẽ trở lại.
Dù đang cảm thấy quá tải sức, thì trong thâm tâm anh Liêm vẫn đang nung nấu trong năm tới, bất cứ lúc nào cảm thấy thanh thản, sẽ bắt tay làm từng chút một mở rộng thêm Ma Rừng để khách đến có thêm nơi ăn, nghỉ.
Anh đang tính làm những mô hình thú vị hơn như vài toa tàu hỏa hoặc những căn phòng ngủ có hình dáng thùng rượu vang chứ không còn là nhà gỗ tím đơn thuần nữa. Đương nhiên, những căn nhà sẽ phải hợp với cảnh quan thiên nhiên, thơm mùi gỗ mới để mang tới đầy đủ trải nghiệm thư giãn tinh tế trong khu rừng, mang lại niềm vui cho du khách. Và người đàn ông ấy luôn tâm niệm, làm điều gì khiến người khác hạnh phúc thì chính là sự giàu có lớn nhất của mình trong cuộc đời này…/.
Ma Rừng lữ quán tọa lạc ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 20km, nếu đi xe máy mất khoảng hơn 30 phút.Chi tiết đường đi: Từ chợ Đà Lạt, theo đường Trần Quốc Toản, quẹo trái vào đường Đinh Tiên Hoàng, đi thẳng sang đường Phù Đổng Thiên Vương, quẹo trái vào đường Thánh Mẫu, quẹo phải vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quẹo trái vào đường Ankroet, rẽ trái tại ngã ba đi Suối Vàng (theo hướng đi Păng Tiêng), đến Trạm kiểm lâm Đạ Nghịt, rẽ phải vào con đường đất, chạy thẳng khoảng 2,5 km sẽ đến Ma Rừng lữ quán.