Trang mạng thediplomat.com ngày 10/8 đã đăng bài viết của Guy Burton, chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Trung Đông thuộc Đại học kinh tế London, trong đó nhận định về quan điểm của các cường quốc Hồi giáo Trung Đông về động thái mới đây của Ấn Độ đối với khu vực tranh chấp Kashmir.
Theo ông Burton, phản ứng lặng thinh của các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông về việc Ấn Độ bãi bỏ quy chế tự trị của bang Jammu và Kashmir là rất đáng lưu ý.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Quy chế tự trị đặc biệt của Kashmir đã bị thách thức khi Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông qua một đạo luật hủy bỏ Điều 370 của Hiến pháp.
Với thay đổi này, bang Jammu và Kashmir với đa số là người Hồi giáo sẽ không còn là một vùng tự trị của Ấn Độ mà trở thành một vùng lãnh thổ liên bang - và do đó sẽ mất quyền tự do thiết lập và ban hành luật pháp riêng.
[Pakistan yêu cầu Hội đồng Bảo an nhóm họp về vấn đề Kashmir]
Trước đây, chính quyền bang Jammu và Kashmir được hưởng quy chế tự trị, toàn quyền quyết định các vấn đề đối ngoại, quốc phòng, tài chính và viễn thông.
Các quốc gia láng giềng của Ấn Độ đã có phản ứng ngay lập tức. Pakistan đã chỉ trích động thái này và giáng cấp các mối quan hệ, triệu hồi Đại sứ Pakistan tại Ấn Độ về nước và đình chỉ các hoạt động thương mại (song phương).
Pakistan cũng đã nêu vấn đề này ra Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 quốc gia Hồi giáo trên toàn thế giới, và Nhóm tiếp xúc về các vấn đề liên quan Jammu và Kashmir.
Islamabad đã lên án (động thái của Ấn Độ) và nhắc lại quy chế quốc tế của khu vực tranh chấp Kashmir.
Tương tự, Trung Quốc đã chỉ ra những ràng buộc quốc tế, cho rằng Ấn Độ và Pakistan nên cùng nhau giải quyết vấn đề này.
Quan điểm của Trung Quốc có lẽ cũng bị ảnh hưởng bởi động thái cùng lúc của Ấn Độ khi tách Ladakh - khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền - khỏi bang Jammu và Kashmir để trở thành vùng lãnh thổ nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Chính phủ liên bang.
Xa hơn, nhìn sang thế giới Hồi giáo nói chung và khu vực Trung Đông nói riêng, có lẽ phản ứng gây bất ngờ nhất là từ các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Ngay sau khi đạo luật trên được thông qua, Đại sứ UAE tại Ấn Độ đã bày tỏ quan điểm ủng hộ New Delhi, cho rằng thay đổi này là một vấn đề nội bộ giúp nâng cao năng lực và sự hiệu quả của chính quyền và phát triển kinh tế xã hội của khu vực.
Nhưng sau đó, Ngoại trưởng UAE đã xoa dịu tình hình, kêu gọi hai bên kiềm chế và cùng nhau đàm phán.
Lập trường này của UAE phù hợp với tuyên bố của các quốc gia chủ chốt ở Trung Đông, bao gồm Saudi Arabia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Cả ba nước đều có chung quan điểm rằng tranh chấp nên được giải quyết thông qua đàm phán giữa Ấn Độ và Pakistan và cần phải có các biện pháp nhằm tránh gia tăng căng thẳng.
Tuy nhiên, trong số 3 quốc gia kể trên, có thể thấy giới chính trị và truyền thông Pakistan tỏ ra tin tưởng nhất Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cuộc điện đàm của Tổng thống Erdogan bày tỏ sẵn sàng "ủng hộ vững chắc" và sự hỗ trợ trong tương lai.
Điều gì lý giải cho phản ứng kiềm chế của Trung Đông?
Đầu tiên, Ấn Độ là một đối tác thương mại quan trọng hơn Pakistan. Kinh tế Ấn Độ phát triển hơn kinh tế Pakistan gấp 9 lần. Chính vì thế, Ấn Độ đem lại nhiều cơ hội thương mại và đầu tư hơn.
Ngược lại, tình hình kinh tế Pakistan khá yếu ớt và dễ bị tổn thương. Đầu năm nay, chính phủ nước này đã phải tìm đến khoản vay khẩn cấp của Trung Quốc và Saudi Arabia, với số tiền khoảng 2 tỷ USD từ mỗi nước.
Thứ hai, có thể thấy vấn đề Kashmir không quan trọng đối với các nhà lãnh đạo chính trị ở Trung Đông.
Trong nhiều thập kỷ kể từ sau năm 1947, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua lập trường thân Palestine như một cách để tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng người Hồi giáo ở Kashmir cũng như thế giới Hồi giáo rộng lớn hơn, bao gồm cả Trung Đông.
Tuy nhiên, khi các nước Arab bắt đầu xúc tiến các cuộc gặp và theo đuổi tiến trình hòa bình với Israel, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã đặt câu hỏi về sự cần thiết của việc "trở thành người Arab hơn cả chính người Arab."
Ấn Độ bắt đầu gây dựng các mối quan hệ riêng với Israel, bao gồm việc tăng cường mua bán vũ trang sau năm 1999.
Mặc dù vậy, Ấn Độ chưa từng gặp phải phản ứng mạnh mẽ nào về các mối quan hệ đặc biệt với các nước Arab hay về vấn đề Kashmir, ngoại trừ những tuyên bố đưa ra ở OIC.
Thứ ba, sự thù địch giữa Pakistan và một số quốc gia Trung Đông khó giải quyết hơn so với sự kình địch của các nước này với Ấn Độ, vì thế đã làm lu mờ những vấn đề như Kashmir.
Với Iran, khu vực biên giới vẫn chưa được giải quyết: Tehran cáo buộc Pakistan "nhắm mắt làm ngơ" trước sự viện trợ của Saudi cho phiến quân Baloch, lực lượng thường xuyên nhắm mục tiêu vào binh lính và các căn cứ quân sự của Iran.
Hai quốc gia này cũng đang tranh giành sự ảnh hưởng ở Afghanistan, đồng thời, xét về phương diện thương mại, hai nước đang cạnh tranh để giành thị phần lớn hơn trên thị trường vận tải hàng hóa xuyên Ấn Độ Dương ở các cảng Chabahar (của Iran) và Gwadar (của Pakistan).
Trong khi đó, khu vực Kashmir đã trở thành nơi để các đối thủ kình địch hoạt động trong khu vực Trung Đông lợi dụng. Trước đây, Saudi Arabia đã hỗ trợ dưới hình thức giảng đạo và xây dựng đền thờ Hồi giáo.
Gần đây, các quốc gia từng tranh giành ảnh hưởng trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng đã tiến vào khu vực Kashmir để chiếm thiện cảm của người dân bản địa. Tuy mục tiêu này có vẻ vẫn chưa mấy rõ ràng, nhưng mục đích chắc chắn là thiết lập một nền tảng ủng hộ trong cộng đồng người Sunni và Shia sinh sống ở đó, để có thể kêu gọi sự ủng hộ trong tương lai.
Với tình hình hiện nay, mâu thuẫn trong tư tưởng của các quốc gia Hồi giáo Trung Đông có ý nghĩa gì đối với tương lai của cuộc xung đột ở Kashmir?
Một mặt, các nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ được khích lệ rằng tình hình hiện nay có lợi cho họ và hạn chế phạm vi hoạt động của Pakistan. Mặt khác, điều này có thể coi như đã được giải quyết.
Ở trong nước, Kashmir sẽ vẫn là một "thùng thuốc súng." Như một phần của động thái hủy bỏ Điều 370 của Hiến pháp, Ấn Độ đã tăng cường hiện diện an ninh, áp đặt lệnh giới nghiêm, ngăn cản ban lãnh đạo chính trị của khu vực này và cắt đứt các phương tiện liên lạc. Tuy nhiên, tình hình này không thể kéo dài mãi.
Cuối cùng, các lực lượng Ấn Độ sẽ phải rút lui và có thể sẽ phải đối mặt với những hành động chống đối của người dân. Căng thẳng sẽ gia tăng với việc hủy bỏ Điều 35A của Hiến pháp, trong đó cho phép Jammu và Kashmir quyết định đối tượng nào là "dân thường trú," những đối tượng không bị cấm sở hữu bất động sản.
Theo sự điều chỉnh mới này, bất cứ công dân (Ấn Độ) nào cũng có thể làm điều đó và việc này có thể sẽ làm "loãng" người Hồi giáo trong khu vực.
Trên bình diện quốc tế, vấn đề Kashmir sẽ không biến mất. Bất chấp nỗ lực của Ấn Độ "đồng hóa" chính quyền Kashmir, Pakistan sẽ tiếp tục đưa vấn đề này ra OIC.
Ngoài ra, có thể thấy quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Đông phụ thuộc nhiều vào kết cấu của các mối quan hệ nhà nước-xã hội hiện nay. Dù độc tài, các chính phủ Trung Đông không hoàn làm ngơ trước ý kiến của công chúng.
Nếu tình hình bất ổn giống như cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab năm 2011, các chế độ như Saudi Arabia hay Iran có thể trở nên dễ bị lung lay hơn và có xu hướng lợi dụng các vấn đề như tranh chấp Kashmir để giành lại tính hợp pháp của vai trò người bảo vệ thế giới Hồi giáo./.