Lý giải nguồn cơn các rắc rối và bất ổn của Iraq

Chế độ Iraq đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, và kết quả là người ta không mấy ngạc nhiên khi các cuộc biểu tình và bất ổn xã hội đã bùng phát mạnh mẽ suốt những tháng gần đây.
Lý giải nguồn cơn các rắc rối và bất ổn của Iraq ảnh 1Cảnh đổ nát sau các cuộc giao tranh tại Mosul, Iraq ngày 5/7. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, những hoài nghi lớn về các cuộc đấu đá chính trị, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước sạch ngày càng trầm trọng cùng sự can dự trực tiếp của một cường quốc từ bên ngoài có thể xem là “liều thuốc độc” đối với bất kỳ chính phủ nào.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một vài trong số rất nhiều những vấn đề mà chế độ Iraq đang phải đối mặt, và kết quả là người ta không mấy ngạc nhiên khi các cuộc biểu tình và bất ổn xã hội đã bùng phát mạnh mẽ suốt những tháng trở lại đây.

Rắc rối nảy sinh ngay sau cuộc bầu cử Quốc hội Iraq ngày 12/5/2018. Đã có nhiều cáo buộc về gian lận, và kết quả của cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi tới mức tới ngày 6/6, Quốc hội 329 ghế mới thành lập đã phải ra yêu cầu kiểm lại phiếu hoàn toàn bằng tay.

Tuy nhiên, tới ngày 10/6, khu vực lưu giữ khoảng một nửa số phiếu bầu đã bị cháy, hoặc cũng có thể là đã bị phóng hỏa.

Các cáo buộc, chỉ trích và hàng loạt thuyết âm mưu tràn ngập truyền thông. Chủ tịch Quốc hội sắp mãn nhiệm Salim al-Jabouri cho rằng vụ việc là hoàn toàn “có chủ đích (và) nhằm che đậy những sai phạm và gian lận phiếu bầu lừa dối người dân Iraq…”.

Thủ tướng Haider al-Abadi, người đang đứng đầu chính phủ lâm thời đầy mâu thuẫn cho tới khi chính phủ mới được thành lập, miêu tả vụ cháy là một “âm mưu” nhằm vào nền dân chủ của Iraq.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Qasim al-Araji lại khẳng định rằng thiệt hại trong vụ cháy, đối với cả kho chứa các hòm phiếu và số phiếu bầu, gần như không đáng kể.

Việc kiểm phiếu bằng tay được tiếp tục vào ngày 3/7 và cho đến nay đã hơn một tháng trôi qua, song người ta vẫn đang chờ đợi một kết quả chính thức.

Các cuộc bầu cử Quốc hội đã dồn sự chú ý của dư luận vào những ảnh hưởng của Iran trong các vấn đề nội bộ Iraq. Phe giành chiến thắng trong cuộc bầu cử là “Liên minh Sairoon” do Muqtada al-Sadr dẫn đầu.

Muqtada al-Sadr là nhân vật thường được miêu tả như một “giáo sỹ Shi’ite hay gây mâu thuẫn,” Ông từng lãnh đạo lực lượng Madhi, một lực lượng được Iran hậu thuẫn và tham chiến chống lại Mỹ trong chiến tranh Iraq những năm 2000.

Sau cuộc bầu cử, al-Sadr kết thân với Liên minh Fatah do Hadi al-Amiri lãnh đạo, một tổ chức chịu sự chi phối của Iran.

Thủ tướng Abadi, người chủ yếu dựa vào những hỗ trợ về mặt quân sự của Mỹ trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, là người đứng đầu lực lượng có tên Liên minh Chiến thắng.

Ngày 14/7, nguồn điện tại miền Nam Iraq đột ngột bị cắt. Iran là đối tác cung cấp phần lớn điện năng cho khu vực này và khi sự thật được phơi bày là chính Iran đã cắt nguồn điện, với lý do Iraq chưa thanh toán hóa đơn trị giá 1 tỷ USD, sự bất bình của người dân đã nhanh chóng bùng phát thành các cuộc biểu tình trên đường phố.

Tiểu vương Kuwait Sabah Al Sabah đã hỗ trợ thành phố cảng Basra phía Nam Iraq 17 máy phát điện cơ động với tổng công suất lên tới 30.000kW cùng nguồn nhiên liệu để vận hành các trạm phát điện trên cả nước.

Tuy nhiên, không gì có thể ngăn được các cuộc biểu tình lên án nạn tham nhũng, đòi hỏi nguồn điện, nguồn nước và việc làm này, kể cả các tuyên bố của chính phủ hay sự đàn áp của các lực lượng an ninh.

Ở thủ đô Baghdad, hàng trăm người đã tràn về Quảng trường Tahrir và khu vực phía Đông thành phố Sadr, nơi có nhiều người Shi’ite sinh sống.

Để kiềm chế các cuộc biểu tình của những người dân bất bình vì thiếu thốn một số dịch vụ xã hội cơ bản, chính quyền đã áp đặt lệnh giới nghiêm, đồng thời chặn Internet và mạng xã hội.

Trong những tháng mùa hè với nền nhiệt trung bình vào khoảng hơn 48 độ C, nguồn nước của Basra, chủ yếu do sông Tigris và Euphrates cung cấp, thường xuyên bị thiếu hụt.

Đây thực tế là một trong những khó khăn mà nhiều chính phủ Iraq phải vật lộn. Sông Tigris và Euphrates đi vào Iraq qua Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó hòa vào dòng Abadan tại Iran.

Vấn đề liên quan tới nguồn nước của Iraq ngày càng trầm trọng do Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã xây dựng nhiều hạ tầng làm thay đổi dòng chảy. Trong những thập kỷ trở lại đây, lưu lượng nước tại khu vực đi qua Iraq của hai con sông này đã giảm ít nhất 40%.

Hơn thế nữa, đập Ilisu được Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng trên dòng Tigris, một dự án được xây dựng trong khoảng 20 năm, đã hoàn thành vào đầu năm 2018. Con đập này dự kiến được đưa vào hoạt động từ đầu tháng 3 song đã hoãn lại 3 tháng do lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn nước của Iraq.

[“Mùa Xuân Arab” có đến Iraq?]

Tháng 6 vừa qua, tình trạng nguồn nước của Iraq càng trở nên tồi tệ hơn và một phiên họp khẩn của Quốc hội Iraq đã dẫn đến quyết định lần thứ hai trì hoãn việc đưa con đập này đi vào hoạt động.

Chính phủ hai nước đã phải nhất trí tìm phương án làm đầy các hồ chứa của đập Ilisu mà vẫn đảm bảo dòng chảy cho sông Tigris tại Iraq.

Những người biểu tình không chỉ bức xúc về các vấn đề liên quan đến nguồn nước. Những cuộc bạo loạn tại Basra, tỉnh sản xuất dầu chủ lực của quốc gia này, là nhằm vào hoạt động của các cơ sở năng lượng chính, yêu cầu cải thiện dịch vụ và gia tăng việc làm.

Sau khi một người biểu tình thiệt mạng vào ngày 8/7, hơn 1.000 người biểu tình đã chặn đứng tuyến đường dẫn đến các mỏ dầu ở phía Nam.

Tồi tệ hơn, vào thời điểm sự giận dữ của dư luận lớn tới mức khó có thể kiềm chế được, những nhân vật có nhiều ảnh hưởng và quyền lực trong giới tôn giáo như Đại Giáo chủ Ali Al Sistani, một giáo sỹ hàng đầu của người Hồi giáo theo dòng Shi’ite, đã bày tỏ sự cảm thông và đoàn kết với những người biểu tình, cáo buộc ông al-Abadi là nguồn cơn của nhiều rắc rối mà Iraq phải gánh chịu.

Uy tín chính trị sụt giảm, cùng những bất ổn ở trong nước, có thể khiến Abadi phải trả giá bằng việc không thể tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ, dù ông từng mạnh mẽ tuyên bố thành công khi lãnh đạo chính phủ đánh bại IS và ngăn người Kurd tiến tới tham vọng giành độc lập.

Nếu Abadi phải ra đi sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố lại, ảnh hưởng của Iran tại Iraq thậm chí sẽ còn lớn hơn và vị thế của Mỹ chắc chắn sẽ suy yếu. Và đây rõ ràng không phải là triển vọng mà người ta muốn chứng kiến tại quốc gia này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục