Lý do Washington không thể giảm bớt dấu ấn quân sự của mình

Kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, Mỹ đã áp dụng phiên bản của Học thuyết Brezhnev thời Chiến tranh Lạnh theo kiểu của mình.
Binh sỹ Mỹ gác tại hiện trường một vụ đánh bom xe nhằm vào phái bộ NATO ở thủ đô Kabul, Afghanistan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng nationalinterest.org đưa tin trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban vẫn đang tiếp diễn, một sự thực ngày càng rõ ràng là dù có đạt được một thỏa thuận đi nữa thì bất kỳ một sự rút quân nào của Mỹ khỏi Afghanistan đều sẽ chỉ là một phần, chứ không phải toàn bộ.

Tổng thống Donald Trump vừa xác nhận điều này trong bài phỏng vấn với đài phát thanh Fox News: “Đúng vậy, các bạn sẽ vẫn duy trì sự hiện diện ở đó. Chúng ta sẽ vẫn duy trì hiện diện ở đó.”

Ông đã chỉ rõ rằng số lượng 14.000 quân lính hiện nay đã được giảm bớt xuống còn 8.600. Số lượng này sẽ được giảm thêm nếu thỏa thuận cuối cùng được nhất trí, song số lượng lớn nhân sự thuộc Lực lượng Đặc biệt, gián điệp tình báo và các nhà thầu quân sự sẽ vẫn được duy trì vô hạn định.

[Liệu có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa Bắc Kinh và Washington?]

Những người ủng hộ một sự rút quân hoàn toàn của Mỹ khỏi cuộc chiến dai dẳng nhất này một lần nữa lại phải tuyệt vọng tin rằng tổng thống đã lắng nghe các lãnh đạo quân sự và các thành phần diều hâu như thượng nghị sỹ Lindsey Graham và rút lại ý định kéo Mỹ ra khỏi cuộc xung đột dường như không có hồi kết này.

Một hình mẫu tương tự từng xuất hiện mùa Hè năm 2017, khi Cố vấn Anh ninh Quốc gia McMaster, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, và các cố vấn khác đã áp đảo thành công Trump để từ bỏ lời hứa mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử 2016 là chấm dứt sứ mệnh Afghanistan.

Đây là sự đơn giản hóa nhằm đổ lỗi cho sự ảnh hưởng của các thành phần diều hâu đáng ghét lên ý muốn duy trì dấu ấn quân sự của Mỹ (dù nhỏ hơn) tại Afghanistan.

Động thái của ông nhất quán với chính sách an ninh thế giới của Mỹ trong hơn bảy thập kỷ qua.

Kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, Mỹ đã áp dụng phiên bản của Học thuyết Brezhnev thời Chiến tranh Lạnh theo kiểu của mình.

Chính sách của Moskva này, vốn được đặt theo tên lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev, xác định rằng một khi một đất nước trở thành một thành viên của phe cộng sản, thì nó sẽ luôn là như vậy.

Phiên bản của Mỹ mang ý nghĩa là một khi một quốc gia bị phụ thuộc an ninh vào Mỹ, thì nước đó sẽ muôn đời phải phụ thuộc vào an ninh Mỹ, và một khi Washington thiết lập được một dấu ấn quân sự quan trọng tại một đất nước, thì dấu ấn đó sẽ tồn tại mãi mãi.

Chính sách này đã trở thành một hình mẫu kiên định. Mỹ vẫn đóng quân tại châu Âu và Nhật Bản dù Chiến tranh Thế giới Thứ Hai kết thúc từ lâu.

Ngay cả khi Hiệp ước Warsaw và Liên Xô sụp đổ thì điều đó cũng chỉ kéo theo một sự giảm bớt, chứ không phải là xóa bỏ hoàn toàn, sự hiện diện của quân lính Mỹ tại châu Âu.

Tương tự, Washington vẫn tiếp tục duy trì gần 30.000 quân lính tại Hàn Quốc, dù cho dân số đất nước này hiện đã tăng gấp đôi và nền kinh tế thì lớn gấp gần 50 lần so với kinh tế Triều Tiên, và bối cảnh lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh gần như đã biến mất.

Binh sỹ Mỹ tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn tại Pocheon, Hàn Quốc, ngày 16/4/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngay cả trong những trường hợp hiếm hoi mà các lãnh đạo Mỹ chấp nhận chấm dứt dấu ấn quân sự của mình, quyết định này cũng được thực hiện một cách bất đắc dĩ, và Washington chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực dàn xếp một sự đảo ngược kết quả.

Một cuộc bầu cử Thượng viện mạnh mẽ tại Philippines và một vụ phun núi lửa lớn đã chôn vùi căn cứ không quân của Mỹ tại đây, khiến Mỹ phải rút các lực lượng của mình tại quốc gia này vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Thêm vào đó, chừng nào các quan chức Mỹ còn có thể thổi phồng mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và sự nổi lên của cường quốc quân sự Mỹ, thì họ vẫn sẽ lợi dụng những luận điểm đó để khôi phục sự hiện diện quân sự của Mỹ.

Dấu ấn được khôi phục này sẽ còn lớn hơn, với những điều kiện vật chất mới và bền vững được xây dựng.

Có lẽ khía cạnh đáng hổ thẹn nhất của sự quay lại này là nó đang được thực hiện thông qua một Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường 2014 đã phớt lờ một cách trơ trẽn năng lực thương lượng hợp pháp của Thượng viện Philippines.

Khi Washington tiến hành cuộc Chiến tranh Iraq năm 2003, giới chức Mỹ đã bảo đảm với những người dân Trung Đông đa nghi rằng họ không có ý đồ thiết lập một sự hiện diện quân sự thường trực tại Iraq.

Tổng thống George W.Bush khi đó còn đàm phán một thỏa thuận với chính phủ dân chủ mới của Baghdad nhằm rút tất cả quân lính Mỹ vào thời hạn  cuối năm 2011.

Bất chấp sự vận động mạnh mẽ của các thành phần diều hâu (chủ yếu là phe Cộng hòa) nhằm bội ước thỏa thuận này và đàm phán một Thỏa thuận về Tình trạng các Lực lượng để duy trì các lực lượng Mỹ tại Iraq.

Tổng thống Barack Obama thì ủng hộ thời hạn của việc rút quân, song Washington đã nhanh chóng nắm bắt mối đe dọa của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo để điều quân trở lại đất nước này.

IS đã trở thành một cái cớ để đưa lính Mỹ vào nước Syria láng giềng, và dù chính quyền Trump có khẳng định rằng IS đã bị đánh bại và vương quốc Hồi giáo mà chúng thiết lập không còn tồn tại nữa, thì vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy dấu ấn quân sự của Mỹ tại bất kỳ nước nào sẽ chấm dứt trong tương lai gần. Nhiều nhất cũng chỉ có "những tiếng nói nhỏ" về khả năng giảm bớt quân số.

Không may thay, đó lại là kịch bản dễ xảy ra với sứ mệnh Afghanistan. Mỹ không áp dụng hình thức xâm lược đế quốc, thiết lập các nước thuộc địa, và trực tiếp cai trị như kiểu cũ.

Thay vào đó, chủ nghĩa đế quốc Mỹ gồm cả việc hình thành các mối quan hệ nhà bảo trợ-khách hàng bằng những sự phụ thuộc an ninh và thúc đẩy chính sách đó thông qua một mạng lưới các căn cứ quân sự toàn cầu.

Tuy nhiên, đó vẫn là một chính sách đế quốc, và dấu ấn quân sự của Mỹ tại một nhà nước khách hàng đã trở nên cố định. Afghanistan chỉ đơn giản là đấu trường mới nhất mà mô hình này đang được áp dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục