Trong lời giới thiệu cho cuốn sách sắp xuất bản có tựa đề "Time Travelling Economist," tác giả Charlie Robertson đã giải thích lý do Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, trở thành nước có trung nhập trung bình và chuyển mình hướng tới mức thịnh vượng của các thị trường phát triển.
Các số liệu thống kê của MSCI Frontier index cho thấy Việt Nam là điểm đến của 25% tổng tiền đầu tư toàn cầu, trong khi chỉ là một trong 22 quốc gia trên sàn chứng khoán này.
Theo tác giả Robertson, lý do đầu tiên là Việt Nam thực sự đề cao giáo dục. Từ những năm 1980, Việt Nam đã đạt tỷ lệ hơn 80% người trưởng thành biết chữ, trước cả Trung Quốc (những năm 1990) và Ấn Độ (những năm 2010).
Tất cả các nước đều cần có tỷ lệ người biết chữ đạt 70-80% để thực hiện công nghiệp hoá và Việt Nam đã đạt con số này nhiều thập kỷ trước khi trở thành thị trường đang nổi.
Tỷ lệ này ở Nigeria hoặc Pakistan hiện vẫn là khoảng 60%. Với chủ trương ưu tiên giáo dục, Việt Nam đã khuyến khích tập trung mạnh vào giáo dục phổ thông và cả đại học.
Cách đây gần một thập kỷ, Việt Nam đã có 125.000 sinh viên học các trường đại học ở nước ngoài, đứng thứ 8 về quốc gia có tỷ lệ sinh viên cao nhất tại các trường đại học ở Mỹ. Đa số sinh viên này khi tốt nghiệp đã trở về quê hương mang theo các kỹ năng đã học được.
Sự phát triển của các công xưởng sản xuất cũng là điểm mạnh của Việt Nam so với các nước cùng nhóm về trình độ phát triển.
[Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn đối với nhà đầu tư nước ngoài]
Các số liệu mới nhất vào năm 2018 cho thấy mức độ tiêu thụ điện trên đầu người ở Việt Nam cao hơn Mexico hoặc Ai Cập, và hơn gấp đôi Ấn Độ hay Indonesia.
Ước tính các nước thực hiện công nghiệp hóa cần lượng điện tiêu thụ trên đầu người vào khoảng 300-500 kwh, và Việt Nam đã vượt mức này từ năm 2005.
Theo tác giả Robertson, chìa khoá thứ ba tạo ra thành công kinh tế của Việt Nam là tận dụng được các lợi ích từ dân số. Khi tỷ lệ sinh thấp hơn 3 trẻ/phụ nữ, các bậc phụ huynh đã không còn phải chi toàn bộ tiền có được cho việc nuôi con ăn mà bắt đầu tiết kiệm tiền để đầu tư cho con cái mình.
Tiết kiệm ngân hàng bắt đầu tăng mạnh và nhờ đó tiền ngân hàng cho vay đầu tư kinh doanh cũng tăng.
Trong khi các nước có tỷ lệ sinh cao có quy mô lĩnh vực ngân hàng nhỏ (khoảng 20% GDP) và chi phí cho vay cao ở mức hai chữ số, Việt Nam với tỷ lệ sinh là 2 trẻ/phụ nữ nên lượng tiền gửi ngân hàng vượt 100% GDP và lãi suất thấp.
Bên cạnh đó là tỷ lệ người trưởng thành trong dân số cũng cao, và chi phí vay rẻ tạo điều kiện cho lĩnh vực tư nhân đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó tạo việc làm.
Việt Nam đã tận dụng được các lợi ích của dân số và sẽ tiếp tục được hưởng lợi như vậy trong nhiều năm tới, trong khi các nước như Hàn Quốc bắt đầu già đi rất nhanh vào năm 2030.
Giá trị xuất khẩu tính theo đầu người của Việt Nam hiện đang vượt Trung Quốc. Năm 2021, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về thặng dư thương mại với Mỹ, vượt cả Đức và Nhật Bản, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico.
Mức lương tối thiểu mang tính cạnh tranh của Việt Nam vẫn chỉ bằng 1/2 của Trung Quốc nhưng sẽ tăng trong nhiều năm tới, tạo điều kiện cho việc cải thiện cầu nội địa.
Ông Robertson dự báo đồng tiền Việt Nam sẽ dần mạnh lên trong những năm tới, và quy mô nền kinh tế Việt Nam có thể tăng gấp đôi vào năm 2030, trở thành nền kinh tế nghìn tỷ USD vào năm 2040, và đạt GDP 1.700 tỷ USD vào năm 2050, tương đương quy mô của Hàn Quốc, một trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay./.