Lý do sẽ không có cách mạng kiểu "Mùa Xuân Arập" ở Thái Lan

Thủ tướng Prayut sẽ không có số phận tương tự như người tiền nhiệm, đó là bị lật đổ trong một biến cố chớp nhoáng, vì quân đội đứng sau thủ tướng và rất trung thành với chế độ quân chủ.
Lý do sẽ không có cách mạng kiểu "Mùa Xuân Arập" ở Thái Lan ảnh 1Biểu tình tại thủ đô Bangkok ngày 25/10/2020, khiến căng thẳng chính trị leo thang. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài phân tích mang tựa đề “Cách mạng không chắc thành công” đăng trên tờ Bangkok Post ngày 26/10, cựu biên tập viên của báo này là Veera Prateepchaikul nhận định sẽ không có cách mạng kiểu "Mùa Xuân Arab" ở Thái Lan.

Nội dung bài viết như sau:

Các cuộc biểu tình chống chính phủ hiện nay dường như đang lặp lại cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng cách đây khoảng 6 năm.

Tại thời điểm đó, Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) tổ chức biểu tình dưới sự lãnh đạo của cựu Tổng thư ký đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban để buộc quyền Thủ tướng Niwatthamrong Boonsongpaisan và Chính phủ do đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) lãnh đạo từ chức.

Tuy nhiên, ông Boonsongpaisan đã không đáp ứng yêu cầu này trong nhiều tháng cho đến khi Tư lệnh Lục quân khi đó là Đại tướng Prayut Chan-o-cha lật đổ chính quyền trong một cuộc đảo chính không đổ máu.

Giống như người tiền nhiệm, Thủ tướng Prayut đã bị những người biểu tình do sinh viên lãnh đạo bao vây trong vài tuần nay.

Tuy nhiên, ông dường như không nao núng. Thời hạn 3 ngày để ông từ chức do những người biểu tình ấn định đã trôi qua lúc 22 giờ ngày 24/10 mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ khuất phục trước yêu cầu của họ. Một cuộc biểu tình khác đã được tổ chức tại khu mua sắm Ratchsprasong vào chiều 25/10.

Những người biểu tình cũng lên kế hoạch cho một cuộc tuần hành tới Đại sứ quán Đức vào ngày 26/10. Tại sao lại là Đại sứ quán Đức? Nhà Vua Thái Lan đã có một thời gian dài sống tại Đức. Những người biểu tình hay những người "đứng đằng sau" họ mong đợi điều gì từ Chính phủ Đức?

Cần lưu ý rằng gần đây, Frithjof Schmidt - thành viên của đảng Xanh đối lập và là thành viên trong Ủy ban chính sách Đối ngoại của Quốc hội - đã khiếu nại lên Chính phủ Đức về việc Nhà vua bị cáo buộc điều hành các vấn đề chính trị trên đất Đức, điều mà theo ông Schmidt là không phù hợp với quy chế cư trú của Nhà vua ở Đức. 

[Quốc hội Thái Lan mở phiên họp đặc biệt về xung đột trong nước]

Có một điều chắc chắn là Thủ tướng Prayut sẽ không có số phận tương tự như người tiền nhiệm, đó là bị lật đổ trong một biến cố chớp nhoáng, vì quân đội đứng sau thủ tướng và rất trung thành với chế độ quân chủ.

Bản thân là một cựu quân nhân, thủ tướng cũng tự coi mình là một người bảo vệ thể chế và vì thế sẽ không bỏ cuộc khi đối mặt với các cuộc biểu tình, chừng nào các yêu cầu của người biểu tình chỉ là cải cách sâu rộng chế độ quân chủ, hoặc thậm chí hoàn toàn lật đổ thể chế như những người theo chủ nghĩa bảo hoàng cứng rắn nghi ngờ rằng họ đang thực sự ủng hộ.

Những ai mong đợi một cuộc cách mạng "Mùa xuân Arab" diễn ra ở Thái Lan có lẽ sẽ thất vọng. Piyabutr Saengkanokkul - thuộc Phong trào Tiến bộ, người dường như bị ám ảnh bởi Cách mạng Pháp - ngụ ý trong một bài viết đăng trên Facebook gần đây rằng chế độ quân chủ có 2 lựa chọn: hoặc đồng ý với cải cách, hoặc đối mặt với một cuộc cách mạng.

Cuộc cách mạng của người dân mà không có sự hỗ trợ của quân đội không thể thành công. Điều này đã được chứng minh trong các cuộc nổi dậy "Mùa xuân Arab" năm 2011.

Zoltan Barany đã viết trên Tạp chí Dân chủ vào tháng 10/2011 rằng sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang là điều kiện cần thiết để tiến hành một cuộc cách mạng thành công. Ông đã xem xét vai trò của quân đội tại 6 quốc gia Arab là Bahrain, Ai Cập, Libya, Syria, Tunisia và Yemen.

Ở Tunisia và Ai Cập, ông cho biết quân đội ủng hộ cách mạng, trong khi ở Libya và Yemen, quân đội bị chia rẽ. Ở Syria và Bahrain, quân đội đã quay súng chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ.

Thậm chí, cuộc nổi dậy do sinh viên lãnh đạo ngày 14/10/1973 ở Thái Lan đã thành công trong việc lật đổ chế độ độc tài Thanom-Praphas-Narong vì sự can thiệp của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej và một cuộc nổi loạn của tư lệnh lục quân lúc đó là Đại tướng Kris Sivara - người đã bất chấp lệnh của bộ ba này gửi quân đến để dẹp tan các sinh viên biểu tình.

Cuộc nổi dậy của quân đội chống lại nhà độc tài Ferdinand Marcos của Philippines cũng là công cụ dẫn đến thành công của Cách mạng Nhân dân năm 1986. Kịch bản có thể xảy ra sẽ là sự bế tắc giữa Chính phủ và những người biểu tình - một thử thách về sức chịu đựng và quyết tâm của các phe đối lập.

Sau sai lầm lớn khi sử dụng vũ lực quá mức - dùng vòi rồng phun nước có mùi hóa chất với áp suất cao - để giải tán những người biểu tình ôn hòa tại ngã tư Pathumwan gần đây, khiến đông đảo dư luận lên án, Chính phủ đã áp dụng một cách tiếp cận "mềm," chẳng hạn dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng, thả hầu hết những người biểu tình bị bắt ngoại trừ 8 thành viên chủ chốt và kiềm chế sử dụng vũ lực để giải tán những người biểu tình.

Những người biểu tình chủ yếu là ôn hòa, ngoại trừ một số ít khiêu khích, trong đó có một nhóm sinh viên khoa Kiến trúc tại trường Đại học Chiang Mai - những người đã phát động chiến dịch thu thập chữ ký để ủng hộ lời kêu gọi dỡ bỏ một tác phẩm nghệ thuật được đắp trên tường của khoa để tưởng nhớ cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej.

Động thái này đã khiến những người bảo hoàng áo vàng phẫn nộ, và gần đây họ đã xuống đường ở Bangkok cũng như các nơi khác để bày tỏ sự ủng hộ đối với chế độ quân chủ.

Thế bế tắc sẽ kéo dài cho đến khi cả hai bên đều kiệt sức và kêu gọi đình chiến. Hoặc, họ có thể mất kiên nhẫn và kích động bạo lực. Thời gian sẽ cho thấy giả định nào trở thành sự thật./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục