Lý do nền công nghiệp quốc phòng Indonesia chuyển mình chậm chạp

Sản phẩm của các doanh nghiệp quốc phòng Indonesia chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của chính lực lượng vũ trang trong nước.
Lý do nền công nghiệp quốc phòng Indonesia chuyển mình chậm chạp ảnh 1Cảnh sát Indonesia tham gia diễn tập an ninh tại Jakarta. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng The conversation mới đây có bài viết của tác giả Tangguh Chairil với tựa đề "Nền công nghiệp quốc phòng tự lực có quá sức đối Indonesia?"

Bài viết đề cập đến nội dung Indonesia đang nỗ lực hướng tới mục tiêu không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào trong việc sản xuất vũ khí và các trang, thiết bị quân sự để tự đáp ứng nhu cầu quốc phòng của riêng mình vào năm 2029.

Để đạt được mục tiêu tự lực, tự cường trong lĩnh vực quốc phòng, trước tiên Indonesia phải giải quyết vấn đề gốc rễ, cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng của mình.

Cụ thể: Chính phủ Indonesia phải có kế hoạch tăng ngân sách cho quốc phòng và phải phân bổ thỏa đáng cho các chương trình nghiên cứu và phát triển cho vũ khí quân sự; Chính phủ Indonesia cũng cần phải hỗ trợ khách hàng (lực lượng vũ trang Indonesia) bằng cách cung cấp cho họ những điều kiện thuận lợi để tiếp cận sản phẩm hay các khoản tài chính ưu đãi nhất định.

Chính phủ Indonesia có thể đưa ra quy định buộc lực lượng vũ trang nước này chỉ được phép mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự từ các doanh nghiệp quốc phòng trong nước.

Với những biện pháp này, Indonesia sẽ tiến một bước gần hơn đến việc sở hữu ngành công nghiệp quốc phòng tự lực, tự cường.

Năm 2010, các nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á này đã thành lập một cơ quan điều phối đề ra kế hoạch tổng thể trong việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của riêng Indonesia.

Tiếp sau đó, năm 2012, Chính phủ Indonesia đã ban hành một đạo luật hỗ trợ hoạt động này nhằm thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu trên.

Indonesia được đánh giá là thị trường hấp dẫn nhất ở khu vực Đông Nam Á của các nhà xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự vì đất nước này thường xuyên đối mặt với các nguy cơ tấn công khủng bố, hay hoạt động buôn bán ma túy...

Việc sở hữu một ngành công nghiệp quốc phòng tự lực, tự cường là rất quan trọng và cần thiết đối với Indonesia vì chi tiêu cho việc nhập khẩu vũ khí và các trang thiết bị quân sự rất tốn kém trong khi nhu cầu của Indonesia lại rất cao.

Theo thống kê của cơ quan chức năng Indonesia, hàng năm việc nhập khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự của Indonesia từ các quốc gia đối tác chiếm phần lớn trong ngân sách vốn eo hẹp của nước này.

Ngành công nghiệp quốc phòng Indonesia đã có giai đoạn phát triển đáng ghi nhận khi Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia khi đó là ông B.J. Habibie (sau này là Tổng thống Indonesia) trực tiếp chỉ đạo các hoạt động liên quan đến việc thực hiện mục tiêu này.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông B.J. Habibie luôn xác định công nghiệp quốc phòng là lĩnh vực ưu tiên, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của Indonesia.

Lý do nền công nghiệp quốc phòng Indonesia chuyển mình chậm chạp ảnh 2Indonesia tiếp nhận 24 máy bay F-16 của Mỹ vào ngày 28/2. (Nguồn: THX/TTXVN)

Giai đoạn này, Chính phủ Indoneisa đã thành lập một số nhà máy quan trọng và có vai trò chủ chốt trong việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng tự lực, tự cường.

Nhà sản xuất máy bay IPTN, nay là Dirgantara Indonesia là một trong những mô hình thành công của nền công nghiệp quốc phòng Indonesia khi đó.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, IPTN đã nghiên cứu cải tiến nhiều loại máy nhập khẩu từ nước ngoài, vốn đã lỗi thời và một trong những loại máy bay được IPTN cải tiến thành công là máy bay vận tải CN-235.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp quốc phòng của Indonesia. Tất cả mọi hoạt động liên quan đến quá trình này buộc phải dừng lại do không có kinh phí.

Nhiều dự án bị phá sản và sau đó bị lãng quên trong một thời gian dài. Qua giai đoạn khủng hoảng, ngành công nghiệp quốc phòng của Indonesia phục hồi rất chậm và gần như không có bước phát triển mới.

Indonesia tiếp tục là một trong những quốc gia nhập khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo số liệu thống kê năm 2016 của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, mức chi tiêu quốc phòng hàng năm của Indonesia là khoảng hơn 8 tỷ USD (chiếm khoảng 1% GDP) và là quốc gia đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á sau Singapore (9,96 tỷ USD).

Tổng thống Indonesia Jokowi từng tuyên bố Indonesia có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên mức tương đương 1,5% GDP trong thời gian tới, nhằm tập trung đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự phục vụ nhu cầu trong nước trong tình hình hiện nay.

Hiện tại, các doanh nghiệp quốc phòng của Indonesia được cơ cấu bởi cả các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Các doanh nghiệp này đang chủ yếu tập trung sản xuất các thiết bị và phụ tùng quân sự, đồng thời cung cấp các dịch vụ sửa chữa, bảo trì cho lực lượng vũ trang Indonesia.

Trong số đó phải kể đến nhà sản xuất vũ khí Pindad, chuyên sản xuất các thiết bị quân sự mặt đất; nhà máy sản xuất máy bay Dirgantara, chuyên sản xuất và chế tạo linh kiện hàng không vũ trụ; nhà máy đóng tàu PAL, chuyên sản xuất và chế tạo linh kiện, phụ tùng cung cấp cho hải quân Indonesia...

Bên cạnh việc cung cấp cho khách hàng chủ yếu là lực lượng vũ trang Indonesia, các nhà máy quốc phòng của Indonesia thời gian qua đã xuất khẩu nhiều đơn hàng cho thị trường nước ngoài như: xuất khẩu súng trường tấn công sang thị trường Bangladesh và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất; xuất khẩu xe bọc thép Anoa sang Brunei, Pakistan và Timor Leste; cung cấp tàu chiến Philippines; xuất khẩu máy bay cho thị trường 10 quốc gia Thái Lan, Brunei, Philippines, Hàn Quốc, Việt Nam, Malaysia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Senegal, Burkina Faso và Venezuela.

Lý do nền công nghiệp quốc phòng Indonesia chuyển mình chậm chạp ảnh 3Binh sỹ Indonesia tham gia diễn tập chống khủng bố tại cảng Benoa, Denpasar trên đảo Bali ngày 8/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song nền công nghiệp quốc phòng của Indonesia hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Sản phẩm của các doanh nghiệp quốc phòng Indonesia chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của chính lực lượng vũ trang trong nước do các sản phẩm này không được trang bị công nghệ tiên tiến.

Hiện, Indonesia vẫn phải nhập khẩu xe tăng từ Đức, các loại tàu tuần tra, tàu chiến đấu, tàu hộ tống hay tàu ngầm từ các đối tác như Hà Lan, Anh và Đức.

Nhập khẩu máy bay chiến đấu, máy bay vận tải và thậm chí là máy bay huấn luyện từ Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Anh, Italy và Hàn Quốc… vì chúng được trang bị công nghệ hiện đại, tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu tác chiến trong tình hình mới mà Indonesia chưa thể sản xuất được.

Một trong những nguyên nhân chính khiến cho nền công nghiệp quốc phòng Indonesia chuyển mình chậm chạp là do thiếu kinh phí. Và chính điều này cũng khiến Indonesia gặp rất nhiều khó khăn để phát triển công nghệ tiên tiến cho các sản phẩm quân sự, khiến chúng kém cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thế giới.

Bên cạnh những khó khăn về kinh phí hoạt động, một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp quốc phòng Indonesia hiện nay đang phải đối mặt là những bất đồng trong các thỏa thuận hay hợp đồng đã được ký kết giữa các doanh nghiệp trong nước và các đối tác nước ngoài trong việc hợp tác sản xuất các thiết bị quân sự, dẫn đến nhiều hợp đồng bị trì hoãn hoặc hủy bỏ.

Chẳng hạn như gần đây, thỏa thuận sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ mới và chuyển giao công nghệ sản xuất loại máy bay này giữa Hàn Quốc và Indonesia đã bị hoãn lại do những bất đồng trong hợp đồng mà hai bên ký kết trước đó.

Thỏa thuận cũng đã bị trì hoãn nhiều lần vì các lý do khác nhau, bao gồm các vấn đề về tài chính hay các vấn đề liên quan đến chính trị giữa hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục