Lý do Mỹ nên tìm lại "quân cờ tiềm năng" ở Đông Nam Á

Lợi ích của Mỹ tại châu Á không bắt đầu và cũng không kết thúc bằng sự cạnh tranh với Trung Quốc, và quan hệ Mỹ-Thái Lan có thể mang đến những cơ hội quan trọng cho hai nước này.
Lý do Mỹ nên tìm lại "quân cờ tiềm năng" ở Đông Nam Á ảnh 1Binh sỹ Thái Lan (phía sau) và Mỹ (trái) tại lễ khai mạc tập trận ở Sattahip, Chonburi, Thái Lan năm 2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ mới đây đăng bài phân tích về quan hệ Mỹ-Thái Lan của chuyên gia Brian Harding, Phó Giám đốc Chương trình nghiên cứu Đông Nam Á.

VietnamPlus xin giới thiệu nội dung bài phân tích:

Trong số 5 đồng minh hiệp ước tại châu Á-Thái Bình Dương, Thái Lan rõ ràng đang bị gạt ra ngoài chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Trước đây, cả Mỹ và Thái Lan đều nhận thấy Thái Lan là một "quân cờ tiềm năng" trong Chiến tranh Lạnh.

Thế nhưng, trong hơn 40 năm qua, quan hệ đồng minh này đã phải vật lộn để tìm ra một hướng đi rõ ràng.

Các diễn biến chính trị tại Thái Lan và phản ứng của Mỹ đối với các cuộc khủng hoảng ở Thái Lan làm dấy lên nghi ngờ liệu quan hệ đồng minh này có được đặt trên một nền tảng vững chắc hay không.

Sự tồn tại lâu dài của mối quan hệ đối tác Mỹ-Thái Lan đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong viễn cảnh chính sách đối ngoại của cả hai nước và mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Đối với Thái Lan, Mỹ vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng và là đối tác an ninh mà họ lựa chọn.

Đối với Mỹ, hợp tác quân sự - nhất là việc Thái Lan định kỳ cho phép các phương tiện quân sự của Mỹ vào nước này - là điều không gì có thể thay thế được ở Đông Nam Á, góp phần quan trọng vào chiến lược tổng thể của Mỹ ở khu vực này.

[Câu chuyện ngày hôm nay về quan hệ Mỹ và ASEAN]

Trong tương lai ngắn hạn, Mỹ và Thái Lan khó có thể tương đồng về mục đích bởi hai nước không có kẻ thù chung - hay thậm chí là một đối thủ chiến lược chung.

Trong khi Mỹ ngày càng coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược và phát hiện ra rằng nhiều nước Đông Nam Á đang mong chờ sự hiện diện của Mỹ để làm đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, thì Thái Lan lại đứng ngoài cuộc bởi nước này cảm thấy thoải mái với sự phát triển và ý đồ của Trung Quốc, cho dù Thái Lan là 1 trong 2 đồng minh hiệp ước của Mỹ ở Đông Nam Á.

Trước thực tế này, Mỹ không nên nuôi ảo tưởng rằng Thái Lan sẽ là đối tác tích cực sẵn sàng thách thức Trung Quốc trong những vấn đề như Biển Đông, chứ chưa nói đến các vấn đề liên quan tới Đài Loan.

Tuy nhiên, lợi ích của Mỹ tại châu Á không bắt đầu và cũng không kết thúc bằng sự cạnh tranh với Trung Quốc, và quan hệ Mỹ-Thái Lan mang đến những cơ hội quan trọng cho Mỹ trong việc theo đuổi những lợi ích tại Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Vị trí địa lý của Thái Lan - là cầu nối giữa Nam Á, Đông Nam Á và Đông Bắc châu Á - và tầm quan trọng của Bangkok trong việc thúc đẩy sự kết nối khu vực đã mang đến những cơ hội để Mỹ và Thái Lan hợp tác nhằm định hình sự phát triển của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mặc dù trong hơn 1 thập kỷ qua, Thái Lan đặt trọng tâm vào chính trị nội bộ, song hiện giờ, nước này đã bắt đầu "chui ra khỏi vỏ ốc."

Giới chính khách Thái Lan đã nhận thức được tầm quan trọng của chính sách kinh tế mạnh nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong bối cảnh những thách thức về nhân khẩu học đang dần hiện rõ.

Chính phủ đương nhiệm đã đề ra kế hoạch kinh tế 20 năm đầy tham vọng với tầm nhìn "Thái Lan 4.0," đồng thời phát triển "Hành lang kinh tế phía Đông" (EEC) xuyên suốt 3 tỉnh.

Thái Lan cũng tỏ ra rất quan tâm tới việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tương lai gần, mặc dù nước này chưa chính thức có những động thái để khởi động tiến trình gia nhập CPTPP.

Mặc dù thời gian biểu cũng như một số nhân tố của những kế hoạch trên có thể thay đổi sau các cuộc bầu tiềm tàng nửa đầu năm 2019, nhưng dường như những kế hoạch này vẫn nằm trong khuôn khổ chung.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng Thái Lan là nhân tố chủ chốt trong việc định hình khu vực này hội nhập về kinh tế và lãnh thổ, theo đó, tập trung đặc biệt vào kết nối Nam Á và Đông Nam Á.

Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng được đề ra trong EEC cũng "ăn khớp" với những tham vọng này, bởi Chính phủ Thái Lan tập trung vào "Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực" (BIMSTEC) - gồm 7 nước thành viên kéo dài từ Đông sang Tây, từ Ấn Độ tới Thái Lan.

Tương tự, Thái Lan đang tìm cách khôi phục khuôn khổ hoạt động của "Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady-Chao Phraya- Mekong" (ACMECS) nhằm dẫn dắt các nỗ lực kết nối khu vực Đông Nam Á.

Tại hội nghị ACMECS tổ chức ở Bangkok hồi tháng Bảy vừa qua, các nước thành viên đã cam kết hình thành một quỹ cơ sở hạ tầng khu vực vào năm 2019.

Đối với Mỹ, phối hợp với Thái Lan trong những nỗ lực nói trên sẽ là sự mở đầu đầu cho mối quan hệ hợp tác Mỹ-Thái Lan tại một khu vực rộng lớn hơn, với cơ sở vững chắc là sự hợp tác vốn có giữa hai bên theo "Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong" (LMI). Những chính sách kinh tế hướng ngoại sẽ mang đến cho các thành phần kinh tế Mỹ nhiều cơ hội đầu tư tại Thái Lan và khu vực.

Vào năm 2019, Thái Lan cũng sẽ phải chịu nhiều sức ép trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Là nước sáng lập ASEAN và có nền kinh tế lớn thứ hai khu vực, song những bất ổn trong chính trị nội bộ đang làm xói mòn vai trò lãnh đạo của Thái Lan đối với tổ chức này.

Các phe phái ở Thái Lan có thể thỏa thuận với nhau trong việc tận dụng vai trò Chủ tịch ASEAN như bàn đạp để khôi phục vị thế của Thái Lan trong khu vực.

Về phía Mỹ, Tổng thống Trump nên tổ chức một Hội nghị Mỹ-ASEAN, có thể tại Mar-a-Lago, nhằm thúc đẩy quan hệ Mỹ-ASEAN ngang tầm với các mối quan hệ lớn của Mỹ tại Đông Bắc Á và tạo thêm động lực cho năm Thái Lan làm Chủ tịch.

Ông Trump cũng nên đề cử đại sứ mới tại ASEAN để tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò then chốt của ASEAN trong chính sách của Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sau hơn 4 năm nằm dưới sự quản lý của quân đội, Thái Lan đang hướng đến cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm 2019. Mỹ nên tập trung đánh giá cuộc bầu cử này và tính đến việc khôi phục các biện pháp hỗ trợ có giới hạn cho Thái Lan.

Tham vọng của Mỹ đối với mối quan hệ song phương này cần vượt trên cả mục tiêu đưa quan hệ Mỹ-Thái trở lại mức "bình thường."

Mỹ nên hợp tác chặt chẽ với nước đồng minh lâu đời nhất ở châu Á này để giúp định hình tương lai của cấu trúc khu vực và thúc đẩy ổn định, thịnh vượng. Đầu tư vào những ưu tiên của chính Thái Lan là điểm khởi đầu phù hợp với Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục