Lý do Mỹ cần sớm xem xét lại cách tiếp cận đàm phán với Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố hội nghị thượng đỉnh lần 3 Mỹ-Triều vẫn có thể diễn ra nhưng cần phải có bằng chứng cho thấy lập trường của Mỹ về việc dỡ bỏ trừng phạt chống Triều Tiên thay đổi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội ngày 28/2/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội ngày 28/2/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, vài tuần sau sự sụp đổ của Hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội, Việt Nam hồi tháng 2/2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên cuối cùng cũng phá vỡ sự im lặng.

Trong một bài phát biểu chủ yếu tập trung vào các vấn đề đối ngoại trước Hội đồng Nhân dân tối cao - tức Quốc hội Triều Tiên - ông Kim Jong-un đã nói rõ lập trường của mình.

Ông tuyên bố một hội nghị thượng đỉnh lần 3 với Tổng thống Trump vẫn có thể diễn ra, nhưng để điều đó xảy ra sẽ cần phải có bằng chứng cho thấy lập trường của Mỹ về việc dỡ bỏ trừng phạt (chống Triều Tiên) thay đổi.

Ông Kim Jong-un cũng nhắc lại một thông điệp mà ông đã đưa ra lần đầu tiên trong bài diễn văn đón Năm mới 2019, đó là sự kiên nhẫn của ông không phải là vô hạn. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đặt ra một thời hạn cho Tổng thống Trump. Mỹ sẽ phải thay đổi ý kiến vào cuối năm nay.

Mặc dù đây là phần nội dung quan trọng trong bài phát biểu của ông Kim Jong-un, nhưng có nhiều dấu hiệu đáng ngại hơn cho thấy Triều Tiên có thể giảm bớt sự nhượng bộ đối với Washington và nối lại các hành động khiêu khích.

Hôm 18/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã giám sát một vụ thử vũ khí dẫn đường chiến thuật mới, vụ thử vũ khí công khai đầu tiên của Triều Tiên kể từ sau khi Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump hồi tháng Hai vừa qua kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.

Điều quan trọng hơn một đề xuất về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần ba là việc ông Kim Jong-un lại tiếp tục thảo luận về cái gọi là chính sách thù địch của Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên đã sử dụng cụm từ này để miêu tả một loạt hành vi và khả năng mà họ coi là mối đe dọa đối với sự tồn vong và an ninh của Triều Tiên.

Trong bài phát biểu gần đây nhất, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chỉ rõ việc nối lại các cuộc tập trận Mỹ-Hàn dưới biệt danh mới "Dong Maeng," một thuật ngữ tiếng Hàn có nghĩa là "liên minh" trong tiếng Anh.

Mặc dù các cuộc tập trận "Key Resolve" (Giải pháp then chốt) và "Foal Eagle" (Đại bàng và Lừa con) mà Triều Tiên đã phản đối quyết liệt suốt nhiều năm không còn tồn tại nữa, ông Kim Jong-un không tin rằng Washington đang hành xử theo cách có thể được coi là việc thực hiện tuyên bố 12/6 mà hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ đã ký tại cuộc gặp thượng đỉnh (lần đầu tiên) ở Singapore.

Lý do Mỹ cần sớm xem xét lại cách tiếp cận đàm phán với Triều Tiên ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội ngày 28/2/2019. (Ảnh: Yonhap/ TTXVN)

Và vì vậy, ông Kim Jong-un ám chỉ rằng sẽ có sự trả đũa.

[KCNA: Hòa bình Bán đảo Triều Tiên phụ thuộc vào thái độ của Mỹ]

"Gió chắc chắn sẽ tạo ra những cơn sóng lớn, chính sách thù địch công khai của Mỹ đối với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ tự nhiên tạo ra cách hành động tương ứng của chúng tôi," nhà lãnh đạo Triều Tiên nói.

Một tuyên bố như vậy có nhiều mục tiêu. Điều đó sẽ trấn an phe cứng rắn trong chế độ, những người phản đối các cuộc đàm phán với Mỹ và ủng hộ một quan điểm tự lực nhấn mạnh vào một nền quốc phòng mạnh.

Ông Kim Jong-un đã trực tiếp nói với nhóm này qua cách nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng khả năng quân sự.

Một mục tiêu khác là thông báo cho Washington rằng nếu không có sự thay đổi trong đường lối, Tổng thống Trump sẽ mất một điều mà ông ta coi trọng nhất trong chính sách răn đe hiện nay đối với Bình Nhưỡng, đó là không có bất kỳ hành động khiêu khích nghiêm trọng nào như các vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Nhưng một mục tiêu thứ ba có thể là thúc đẩy Trung Quốc và Nga vận động cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên một cách nghiêm túc hơn.

Mùa Thu năm ngoái, các đại diện của Moskva và Bắc Kinh đã cùng một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên ra một tuyên bố ba bên kêu gọi điều chỉnh các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng trong bối cảnh Triều Tiên thay đổi hành vi sau năm 2017.

Giờ đây, với việc Mỹ không muốn nhúc nhích, ông Kim Jong-un sẽ cần Nga và Trung Quốc nới lỏng thực thi các biện pháp trừng phạt hiện nay.

Sau Hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, Bộ Tài chính Mỹ đã bổ sung 2 công ty vận tải biển của Trung Quốc vào danh sách các thực thể và cá nhân vi phạm lệnh trừng phạt chống Triều Tiên bằng cách giúp nước này né tránh các biện pháp trừng phạt.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn chưa thực hiện chuyến đi tới Bắc Kinh để báo cáo với Tập Cận Bình về những gì đã thực sự xảy ra ở Hà Nội.

Sau Hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã làm vậy không lâu sau đó. Thay vào đó, ông Kim Jong-un sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tháng Tư.

Cho dù Triều Tiên thực hiện chiến thuật như thế nào trong những tuần tới và những tháng tới, thông điệp chiến lược của họ đã rõ, ông Kim Jong-un quyết tâm sống sót dù có hay không có Mỹ.

Sau Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, không có vẻ gì là Triều Tiên sẽ đưa ra thêm bất cứ nhượng bộ nào với Mỹ.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục