Lý do Liên minh châu Âu "mạnh tay" với với Campuchia

Trên thực tế EU hoàn toàn sẵn sàng mạnh tay với các chế độ kiểu như Campuchia và có rất nhiều lý do dẫn tới thực tế này.
Lý do Liên minh châu Âu "mạnh tay" với với Campuchia ảnh 1(Nguồn: eubulletin.com)

Theo tạp chí Eurasiareview, vào tháng 2/2020, Liên minh châu Âu (EU) đã rút một phần ưu đãi thương mại “Tất cả trừ vũ khí” (EBA) đối với Campuchia do những cáo buộc quốc gia này vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống.

Thực tế, EU đã cân nhắc rút EBA từ 1 năm trước, sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra lệnh cấm đảng đối lập hoạt động và truy tố các lãnh đạo của tổ chức này.

Hậu quả kinh tế đối với Campuchia, nước đang được hưởng lợi nhiều nhất từ EBA, được cho là rất nghiêm trọng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của quốc gia Đông Nam Á này có thể sẽ bị giảm khoảng 3%.

[EU khẳng định tiếp tục ủng hộ và củng cố hợp tác với Campuchia]

Có ý kiến cho rằng EU “phân biệt đối xử” và “đạo đức giả,” đặc biệt là khi khối này gần như im lặng trước việc Thái Lan cấm một đảng đối lập hoạt động. Tuy nhiên, rõ ràng đằng sau các đòn trừng phạt về vi phạm nhân quyền ở Campuchia của EU là những tính toán chiến lược.

Cuối tháng 2 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra quyết định giải thể đảng Hướng tới Tương lai (FFP) và cấm 16 lãnh đạo đảng này hoạt động chính trị trong 10 năm, với cáo buộc phạm luật khi nhận tiền từ người thành lập.

Thông cáo báo chí của EU coi hành động này của Thái Lan là bước đi "giật lùi" của chủ nghĩa đa nguyên chính trị ở nước này, song lại nhắc lại kết luận của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại EU từ tháng 10/2019 rằng EU sẵn sàng mở rộng sự can dự, bao gồm đa nguyên dân chủ, nhằm chuẩn bị cho các thỏa thuận thương mại tự do và đối tác trong tương lai.

Theo một số nhận định, cho dù vẫn còn những khiếm khuyết, song nền dân chủ Thái Lan đã vượt tương đối xa so với Campuchia.

Do đó, EU hoàn toàn sẵn sàng mạnh tay với các chế độ kiểu như Campuchia. Có rất nhiều lý do dẫn tới thực tế này.

Trước hết, kim ngạch thương mại EU-Campuchia không đáng kể, và vì vậy việc thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với Phnom Penh có lẽ sẽ đem lại lợi ích cho Campuchia nhiều hơn là cho EU.

Việc EU “phân biệt đối xử” để đảm bảo rằng hành động của EU chủ yếu tác động đến Campuchia và hầu như không gây thiệt hại gì cho nền kinh tế châu Âu.

Thứ hai, về mặt chiến lược, Campuchia có dấu hiệu rơi vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại. Mặc dù không muốn trừng phạt hay mâu thuẫn với các đồng minh của Bắc Kinh, song EU trên thực tế không có nhiều lợi ích chung với Campuchia để cân nhắc thiệt hơn.

Thứ ba, Campuchia không sẵn sàng giải tỏa các quan ngại về nhân quyền của EU. EU mong muốn tình hình ở Campuchia quay trở lại như giai đoạn năm 2017, trước khi Thủ tướng Hun Sen tiến hành các cuộc thanh trừng chính trị. Để có thể tiến tới những thỏa thuận thương mại tự do có lợi với EU, Campchia phải có những đánh đổi tương xứng.

Rõ ràng, EU đã tính đến các lợi ích kinh tế, chiến lược và sự sẵn sàng của một quốc gia về nỗ lực cải thiện, hoặc ít nhất là các cam kết và duy trì hiện trạng nhân quyền, trước khi trao cho họ các ưu đãi về kinh tế và thương mại quan trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục