Theo tờ Thời báo Nhật Bản, ông Kiyoshi Kurokawa, Chủ tịch Ủy ban điều tra độc lập về tai nạn hạt nhân Fukushima, 9 năm đã trôi qua kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011, cách xử lý của Chính phủ Nhật Bản đối với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho thấy họ vẫn bị "bó chân, bó tay" khi phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng.
Trận động đất đó có cường độ lên tới 9 độ đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản (Tohoku), khiến 15.899 người thiệt mạng và 2.529 người mất tích.
Thảm họa kép này là tác nhân trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima.
Sau cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản, Ủy ban điều tra độc lập về tai nạn hạt nhân Fukushima đã kết luận rằng tai nạn đó là do con người tạo ra do sự thiếu vắng các quy định pháp lý và sự kém cỏi của Chính phủ khi ứng phó với cuộc khủng hoảng này.
Theo ông Kurokawa, giờ đây, một kịch bản tương tự đang diễn ra do sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Quốc hội và một bộ máy không thể thích ứng với các cuộc khủng hoảng bất ngờ.
Theo kế hoạch, Quốc hội Nhật Bản sẽ thông qua dự luật sửa đổi luật đặc biệt về phòng chống cúm năm 2013, nhằm cho phép Thủ tướng có thể ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với dịch COVID-19 nếu cần thiết.
Theo ông Kurokawa, người hiện là giáo sư danh dự tại Viện sau đại học quốc gia về nghiên cứu chính sách (GRIPS), một dự luật như vậy cần có sự hỗ trợ của kinh nghiệm và sự chuẩn bị của bộ máy công chức.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Để dự luật trên phát huy tác dụng, bạn cần phải rèn luyện một số kỹ năng nhất định giống như với cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima và bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, làm thế nào để có nó trong tình huống khẩn cấp? Tôi nghĩ rằng bộ máy công quyền ở Nhật Bản chưa có kinh nghiệm."
Một điều nhức nhối là năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở Nhật Bản vẫn tương đối thấp.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã tăng năng lực xét nghiệm lên hơn 6.000 ca/ngày nhưng con số thực tế chỉ là khoảng 900 ca/ngày.
Hàn Quốc, nơi có ít nhất 7.755 trường hợp nhiễm bệnh và 63 trường hợp tử vong, đã tiến hành các xét nghiệm tại các cơ sở y tế chỉ định và xét nghiệm cho khoảng 200.000 người có liên quan tới ổ dịch tại một nhà thờ.
Phát biểu với các phóng viên, ông Yasuyuki Sahara, quan chức của MHLW, đã bào chữa cho sự ứng phó chậm trễ khi nói rằng Chính phủ đang cố ngăn cản các bệnh nhân đổ xô tới các bệnh viện và khiến MHLW không thể xử lý các trường hợp nghiêm trọng.
Ông Kurokawa, một bác sỹ đã từng đóng vai trò là cố vấn khoa học cho nội các Nhật Bản trong giai đoạn 2006-2008, nói Nhật Bản có thể giảm bớt quan ngại về sự ứng phó với dịch Covid-19 bằng cách tăng cường sự minh bạch và xét nghiệm cho tất cả các bệnh nhân đang lo lắng.
Ông Kurokawa nhấn mạnh: "Bất cứ bệnh nhân nào tới gặp bác sỹ, nếu họ có nghi ngờ hợp lý về khả năng nhiễm SARS-CoV-2, và muốn làm xét nghiệm, hãy thực hiện điều đó. Và giá cả bao nhiêu à? Đó là điều xem xét sau."
Tính đến 13 giờ 30 ngày 12/3, Nhật Bản đã có 23 trường hợp tử vong vì dịch COVID-19, trong đó có 7 trường hợp trên du thuyền Diamond Princess đang neo ở cảng Yokohama và 16 trường hợp trong nội địa Nhật Bản.
Trong số 1.337 trường hợp mắc COVID-19 tại "xứ hoa anh đào", có 696 người trên du thuyền Diamond Princess, 627 người trong nội địa và 14 người được sơ tán từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) trên các chuyến bay do Chính phủ Nhật Bản thuê.
Nếu tính theo địa phương, Hokkaido là tỉnh có số lượng người mắc COVID-19 đông nhất với 118 trường hợp. Tiếp theo là tỉnh Aichi (104), tỉnh Osaka (80), thủ đô Tokyo (73), tỉnh Kanagawa (46) và tỉnh Hyogo (41). Bên cạnh đó, còn có 11 quan chức của MHLW và quan chức kiểm dịch bị mắc COVID-19./.