Sau mỗi vụ xả súng quy mô lớn ở Mỹ, người dân nước này cũng như các nước khác trên thế giới đều đặt câu hỏi điều gì ẩn sau sự kinh hoàng mang bản chất Mỹ này.
Mặc dù tổng số người thiệt mạng vì các vụ xả súng ở Mỹ đã giảm trong thời gian qua, song các vụ xả súng quy mô lớn (ít nhất có 4 nạn nhân) lại trở nên kinh hoàng hơn và diễn ra thường xuyên hơn.
Đặc biệt, một số vụ còn để lại tác động nặng nề về mặt tâm lý và tình cảm trong lòng xã hội. Trang project-syndicate.org ngày 13/8 đăng bài phân tích lý do khiến Mỹ khó kiểm soát súng đạn ngay cả khi hậu quả từ các vụ xả súng ngày càng nghiêm trọng.
Hai vụ xả súng liên tiếp ở thành phố El Paso, bang Texas, và thành phố Dayton, bang Ohio, hồi cuối tuần đầu tiên của tháng 8 phần lớn được xem là một động lực nhỏ nhoi giúp phá vỡ sự hậu thuẫn của thế lực vận động ủng hộ súng đạn ở Mỹ, nhất là Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) vốn lâu nay cản trở Quốc hội thông qua các biện pháp kiểm soát súng đạn. Trước các vụ xả súng đẫm máu, việc thông qua dự luật kiểm soát súng đáng nhẽ ra không gặp phải vấn đề gì.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 92% số người được hỏi ủng hộ việc loại bỏ những lỗ hổng trong yêu cầu kiểm tra lai lịch gốc gác (người mua súng). Hiện các yêu cầu này không bao gồm việc kiểm tra những cá nhân mua súng cầm tay tại cửa hàng súng tư nhân hoặc trực tuyến.
Khó có thể bỏ qua kiến nghị đầy thương tâm của những phụ huynh nhọc nhằn đến tận Washington để đề nghị nhà chức trách giải quyết trường hợp của gia đình họ. Thế nhưng, ngay cả sau khi xảy ra vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook hồi tháng 12/2012 gây chấn động nước Mỹ, Thượng viện vẫn bác thông qua 2 dự luật kiểm soát súng đạn.
Để hiểu lý do vì sao thì điều quan trọng là cần hiểu một điều rằng chính trị kiểm soát súng đạn bắt nguồn từ nguyên tắc chống lại đa số vốn tương tự như nguyên tắc đại cử tri đoàn của nước Mỹ.
Ở Thượng viện, các bang ít được biết đến ở miền Tây, Trung Tây và miền Nam nước Mỹ, nơi đa phần là dân thợ săn và những người theo xu hướng bảo thủ sinh sống, có số đại biểu nhiều như các bang lớn hơn như New York và California.
Vì vậy, ngay cả khi đa phần người dân Mỹ ủng hộ luật kiểm soát súng cứng rắn hơn thì thế đa số đó không nhất thiết được thể hiện trong số đại biểu ở Thượng viện.
Đồng thời, những thành phần phản đối kiểm soát súng đạn lại được hưởng lợi ích to lớn từ việc diễn giải dường như vô nghĩa về Luật sửa đổi thứ hai của Hiến pháp Mỹ, trong đó có đoạn nói rằng “quyền của người dân được sở hữu và dùng súng không nên bị vi phạm.”
Nhiều cuốn sách đã giải thích về ý nghĩa thực sự của luật sửa đổi này. Thế nhưng, đối với những người ủng hộ quyền sở hữu súng, những nội dung giải thích này không có ý nghĩa gì.
Luật kiểm soát súng đạn quan trọng mà Quốc hội Mỹ lần cuối thông qua là vào năm 1994, trong đó đưa ra lệnh cấm sử dụng vũ khí tấn công. Tuy nhiên, như một thỏa hiệp, điều khoản này lại chứa đựng nhiều lỗ hổng và một điều khoản “hoàng hôn” yêu cầu lệnh cấm này phải được gia hạn rõ ràng sau 10 năm.
Do đó, lệnh cấm này đã bị đình chỉ hồi năm 2004 dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush. Những bằng chứng rõ ràng cho thấy số người thiệt mạng vì xả súng quy mô lớn đã sụt giảm trong những năm mà lệnh cấm trên được thi hành, song lại gia tăng sau khi nó bị bãi bỏ.
Sau hai vụ xả súng ở thành phố El Paso và Dayton như đã đề cập ở trên, Trump đã lên tiếng về vấn đề này, nói rằng ông sẽ ủng hộ việc kiểm tra lai lịch cá nhân.
Tuy nhiên, ông Trump cũng từng nói vậy sau vụ thảm sát ở trường trung học ở Florida hồi tháng 2/2018. Ngay sau đó, Trump đã phải lờ đi vì sức ép của NRA. (Cần lưu ý rằng NRA đã tham gia nỗ lực của Nga giúp Trump đắc cử tổng thống 2016).
Sau hai vụ thảm sát gần đây nhất, Trump cũng kêu gọi ban hành luật “báo động” về kiểm soát súng. Đây thực chất là luật tiểu bang, cho phép tòa án ban hành lệnh bảo vệ đặc biệt tạm thời thu giữ súng từ một người bị cho là có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân hoặc những người khác sau khi nhận được thông báo từ một thành viên gia đình hoặc nhân viên thực thi pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bảo thủ đã phản đối luật báo động này với lý do chúng không tuân thủ nguyên tắc xét xử công bằng.
Dĩ nhiên, cả luật báo động hay việc thắt chặt kiểm tra lý lịch cá nhân đều đã không thể ngăn chặn vụ thảm sát Sandy Hook. Nhưng những biện pháp này sẽ cho phép Trump và phe Cộng hòa của ông có thể tuyên bố rằng họ đã “làm điều gì đó” để xử lý vấn nạn này ở Mỹ.
Trump đã từng tự đẩy mình vào thế bí. Kể từ khi xảy ra các vụ thảm sát gần đây nhất, ông đã nỗ lực thể hiện bản thân là một nhà lãnh đạo có thể ủng hộ những thay đổi về kiểm soát súng đạn.
Thế nhưng, Trump cũng thể hiện sự lo lắng dễ nhận ra về việc duy trì sự ủng hộ của lực lượng cử tri nông thôn vốn đóng vai trò rất quan trọng trong nền tảng cử tri của ông. Trump cũng đã phải dùng đến “nước cờ” chính trị sắc tộc và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng để giành chiến thắng trong cuộc đua 2020.
Cho dù điều gì xảy ra trong vài tháng tới thì sự thật về việc có nhiều súng được sở hữu cá nhân hơn là số người dân sinh sống ở Mỹ đồng nghĩa với việc bất kỳ luật mới nào về kiểm soát súng đạn sẽ chỉ có tác động rất nhỏ.
Bất chấp công chúng Mỹ đang mong mỏi giới nghị sĩ “làm điều gì đó,” Trump vẫn đang trong kỳ nghỉ 10 ngày, còn Quốc hội thì đang nghỉ họp tháng 8 hàng năm. Rất nhiều thay đổi, gồm cả thay đổi trong tâm trạng người dân Mỹ, có thể xảy ra trước khi Quốc hội nhóm họp trở lại.