Lý do Israel gia tăng các vụ tấn công Iran tại Syria

Mặc dù vẫn trong giai đoạn “chiến tranh không chính thức,” các vụ không kích của Israel tại Syria vừa qua cho thấy một sự gia tăng không bình thường.
Lý do Israel gia tăng các vụ tấn công Iran tại Syria ảnh 1Lực lượng cứu hỏa dập lửa xe buýt chở các quân nhân Syria bị đánh bom ở Damascus, ngày 20/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Gần đây, Israel liên tục gia tăng tấn công nhằm vào các lực lượng của Iran tại Syria mà không vấp phải sự phản đối đáng kể nào từ phía Syria, Nga, Mỹ hoặc các nước láng giềng.

Tờ Haaretz ngày 11/11 có bài phân tích về nguyên nhân của việc này. Trong tháng qua, Israel đã thực hiện 7 vụ tấn công nhằm vào các lượng của Iran tại Syria.

Báo chí quốc tế đưa tin từ Syria cho biết một vụ tấn công được thực hiện nhằm vào nhà máy chế tạo tên lửa ở tỉnh Homs và một số vụ khác nhằm vào thành phố Tartus ở tây bắc Syria. Trước đó, Israel cũng đã thực hiện một số vụ tấn công nhằm ngăn chặn các hoạt động buôn lậu vũ khí dọc biên giới với Syria ở Cao nguyên Golan.

Mặc dù vẫn trong giai đoạn “chiến tranh không chính thức,” các vụ không kích của Israel tại Syria vừa qua cho thấy một sự gia tăng không bình thường.

Việc tấn công của Israel có 2 mục đích chính: ngăn chặn buôn lậu vũ khí từ Iran chuyển cho Hezbollah và triệt hạ các cơ sở của Iran, chẳng hạn như các căn cứ kháng chiến của quân du kích Hồi giáo Shiite nằm sâu trong lãnh thổ Syria và các tay súng địa phương ở khu dân cư sát biên giới đánh thuê cho Iran và Hezbollah.

Phát biểu tại một lễ khai trương nhà máy của tập đoàn quốc phòng Rafael, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz tuyên bố sẽ không cho phép Hezbollah và các lực lượng ủy nhiệm khác của Iran “có được vũ khí và các phương tiện để có thể làm suy yếu sự ưu việt của Israel trong khu vực.”

[13 tay súng trung thành với chính phủ Syria thiệt mạng do IS] 

Nhìn từ góc độ chiến thuật, các vụ không kích của Israel dẫn đến 2 suy luận sau:

Thứ nhất, ít nhất có 2 vụ được tiến hành vào buổi chiều, cho thấy mục đích tấn công là nhằm vào hoạt động buôn lậu vũ khí, đồng thời chứng tỏ khả năng thông tin tình báo chính xác cũng như khả năng tấn công chính xác của Israel. 

Thứ hai, Israel tăng cường không kích vào thời gian này để tránh mùa Đông, khi mây mù dày đặc cản trở việc tấn công từ trên cao.

Nhìn từ cấp độ chiến lược, rõ ràng là sau 2 tuần diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Nga và thủ tướng Israel tại Sochi, Nga không còn quá quan ngại về các vụ tấn công của Israel nhằm vào Syria nữa.

Một số vụ diễn ra khá gần nơi đóng quân của các lực lượng Nga tại Homs và Tartus cho thấy khả năng Israel đã tính toán kỹ lưỡng đến sự an toàn của binh sỹ Nga. Ngoài ra, dường như chính phủ Syria cũng không còn quá lo ngại về các vụ không kích của Israel nhằm vào lực lượng ủy nhiệm của Iran trên lãnh thổ Syria nữa. Gần đây, Israel liên tục nói rằng chính quyền Syria đang muốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Iran.

Với Mỹ, hầu như Washington hoàn toàn đứng ngoài trong các vụ không kích vừa qua của Israel: 

Thứ nhất, hồi cuối tháng 10/2021, các tay súng Shiite, với sự chỉ đạo của Iran, đã dùng thiết bị bay tấn công một căn cứ quân sự Mỹ tại miền đông Syria. Mới đây nhất, một cuộc tấn công ám sát cũng diễn ra nhằm vào nhà riêng của Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi, người đang có chủ trương thoát khỏi ảnh hưởng của Iran. Trong cả 2 vụ, Mỹ chỉ dừng lại ở việc lên án. 

Thứ hai, việc Israel tấn công Iran tại Syria là nhằm bày tỏ sự bất mãn với các vòng đàm phán hạt nhân Iran đang diễn ra giữa Tehran và phương Tây. Trong vụ này, Washington có nhiều mối quan tâm khác lớn hơn.

Có vai trò trong an ninh khu vực, Ai Cập cũng không lên tiếng mà chỉ "khoanh tay" đợi phản ứng từ Mỹ. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi đang cần sự trợ giúp từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chưa nói đến việc các nghị sỹ Đảng Dân chủ đang chỉ trích chính quyền của ông Sissi vi phạm nhân quyền. Đây là lý do Ai Cập đang cần Israel làm đồng minh trong câu chuyện liên quan tới Mỹ.

Lý do Israel gia tăng các vụ tấn công Iran tại Syria ảnh 2Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thế khó nữa là Ai Cập đang đóng vai trò trung gian giữa Israel và Hamas nhằm duy trì hiệu lực lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza; nhưng đồng thời Cairo lại "bật đèn xanh" cho các đường dây buôn lậu từ bên ngoài nhập khẩu vào Gaza.

Các mặt hàng này dưới danh nghĩa vật liệu xây dựng, nhưng cũng có thể được sử dụng để phục vụ các hoạt động phát triển của Hamas, điều mà Israel đương nhiên phản đối.

Một diễn biến khác khiến Mỹ bận tâm hơn liên quan đến tập đoàn NSO của Israel. Đây là một trong hai công ty phần mềm gián điệp của Israel vừa bị Mỹ đưa vào danh sách đen cần phải trừng phạt.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gantz phải liên tục gặp các quan chức cấp cao của Pháp nhằm xoa dịu sự giận dữ về việc phần mềm gián điệp Pegasus của NSO được Marốc sử dụng để theo dõi nhiều nhân vật quan trọng tại Paris.

Phần mềm này cũng bị cáo buộc được dùng để theo dõi 6 tổ chức phi chính phủ của Palestine, mà mới đây Israel đã tuyên bố là các tổ chức có liên quan đến khủng bố. Liên quan đến NSO, Mỹ đã công khai tuyên bố công ty này “đi ngược với an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao của Mỹ.” Dường như Mỹ đã hết kiên nhẫn với Israel và đã qua thời của chính quyền Donald Trump khi mọi hành vi của Israel đều được Washington bỏ qua. 

Sự bực bội ngày càng gia tăng của Mỹ với Israel bắt nguồn từ 2 lý do: Israel đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng các khu định cư ở lãnh thổ Palestine mà Israel chiếm đóng; và sự vi phạm nhân quyền của Israel, trong đó các phần mềm gián điệp, chỉ là một ví dụ điển hình.

Tờ New York Times (Mỹ) gần đây đưa tin Israel đang vận động để Mỹ hủy bỏ lệnh trừng phạt với NSO. Không rõ chính quyền Israel có vận động giúp cho các công ty khác hay không, nhưng rõ ràng Bộ Quốc phòng Israel đang rất nhiệt tình đứng ra bảo vệ công ty phần mềm gián điệp của mình.

Lập trường của Israel có thể sẽ gây không ít phiền toái. Chính phủ Israel, trong các nhiệm kỳ trước, vẫn được nhắc đến với cáo buộc đóng vai trò “hậu thuẫn” trong các hợp đồng cung cấp phần mềm gián điệp giữa công ty của Israel với một số nước, nơi chúng được sử dụng cho các mục đích mờ ám.

Một số quan chức Israel có liên quan đến các thương vụ này cho rằng đã đến lúc cần chấm dứt mối quan hệ giữa chính phủ với các công ty đang bị nhiều nước lên án và đưa vào diện theo dõi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục