Lý do Indonesia tăng cường hợp tác với Nam Thái Bình Dương

Là các quốc gia hàng hải, Indonesia và các quốc gia Nam Thái Bình Dương sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ mực nước biển dâng cao và biến đổi khí hậu.
Lý do Indonesia tăng cường hợp tác với Nam Thái Bình Dương ảnh 1Các đại biểu dự Diễn đàn Indonesia-Nam Thái Bình Dương. (Nguồn: Tribunnews)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề: “Indonesia tăng cường hợp tác với các quốc gia Nam Thái Bình Dương."

Nội dung bài viết như sau:

Indonesia và các quốc gia Nam Thái Bình Dương đang tăng cường hợp tác nhằm xác định tương lai cho các thế hệ sau. Người dân Indonesia và người dân ở các quốc gia Nam Thái Bình Dương sẽ trở thành một gia đình chung trong tương lai.

Hiện Indonesia và các quốc gia Nam Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng chung như việc đối mặt với sự gia tăng mực nước biển dâng, các vấn đề xã hội cũng như phát triển kinh tế. Do vậy, Indonesia và các quốc gia Nam Thái Bình Dương cần phải chia sẻ lợi ích để đối phó với những thách thức lâu dài và quan trọng hơn là làm nền tảng cho sự hợp tác trong tương lai, một hình thức quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau.

Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác này đã từng bước được củng cố vững chắc ở mọi cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu. Tại các diễn đàn như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Indonesia và các quốc gia Nam Thái Bình Dương đã cùng nhau thúc đẩy cam kết toàn cầu để khắc phục những tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.

Là các quốc gia hàng hải, Indonesia và các quốc gia Nam Thái Bình Dương sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ mực nước biển dâng cao và biến đổi khí hậu.

Ở cấp độ song phương, Indonesia luôn thúc đẩy hợp tác với các nền kinh tế ở Nam Thái Bình Dương nhằm tận dụng các lợi thế của đôi bên cho tăng trưởng kinh tế. Tổng thống Indonesia Jokowi đã từng nhấn mạnh về sự cần thiết phải đầu tư vào các chương trình phát triển quốc tế, bao gồm cả ở Nam Thái Bình Dương, trong đó các chương trình nổi bật là hợp tác kỹ thuật và nâng cao năng lực. Các chương trình này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới.

Có thể nói còn nhiều tiềm năng to lớn chưa được khai thác trong lĩnh vực kinh tế do có nhiều yếu tố thách thức nên hiện tại quan hệ thương mại vẫn còn tương đối khiêm tốn, chỉ ở mức 450 triệu USD.

Indonesia và các quốc gia Nam Thái Bình Dương xác định là một gia đình trong tương lai thì cần tận dụng các tiềm năng và tăng cường nỗ lực hợp tác gấp đôi để vượt qua các rào cản, nhất là khác biệt về chế độ chính trị các nước trong khu vực. Do vậy tầm quan trọng của việc phát triển kết nối, đó chính là không chỉ kết nối về mặt vật lý mà còn kết nối cả về trái tim và tâm trí.

Thời gian gần đây, Indonesia đã nỗ lực để thay đổi, cải tiến kết nối với các quốc gia. Sáng kiến trục hàng hải toàn cầu là một ví dụ điển hình. Indonesia đang mở rộng và nâng cấp các cảng chiến lược ở phía Đông nhằm thiết lập và kết nối giữa các cảng biển để đưa Indonesia đến gần Nam Thái Bình Dương hơn.

[Ai nắm thế thượng phong trong cuộc tranh cử tổng thống Indonesia?]

Chiến lược này, một mặt, sẽ đặt Indonesia là cửa ngõ chiến lược để Nam Thái Bình Dương tương tác với các quốc gia khác ở châu Á-Thái Bình Dương. Mặt khác, mở ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Indonesia tham gia vào sự phát triển kinh tế của Nam Thái Bình Dương.

Hiện có nhiều xu hướng địa chính trị mới nổi trong khu vực, trong đó có hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, xu hướng mới này được dự đoán trước để Indonesia và các quốc gia Nam Thái Bình Dương nắm bắt những cơ hội mới. Do đó cần nhiều cuộc đối thoại giữa Indonesia và các quốc gia Nam Thái Bình Dương. Hiện tại, có một số diễn đàn như Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF), Diễn đàn Phát triển Quần đảo Thái Bình Dương (PIDF) và Nhóm Spearhead Melanesian (MSG).

Diễn đàn Indonesia-Nam Thái Bình Dương (ISPF) ngày 21/3/2019 tại Jakarta là một sáng kiến để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia. ISPF đưa ra lộ trình cho Indonesia và các quốc gia Nam Thái Bình Dương gặp nhau thảo luận và đẩy nhanh các cơ chế hợp tác.

Ngoài việc trao đổi giữa các cấp chính phủ, diễn đàn còn mở rộng cơ chế đối thoại giữa các doanh nghiệp, các học giả và xã hội dân sự. Indonesia cũng đưa ra chương trình đào tạo doanh nhân cho các doanh nghiệp Nam Thái Bình Dương.

Ngoài ra, bên lề ISPF, Indonesia đã ký kết các Hiệp định thương mại ưu đãi (PTAs) với Fiji và Papua New Guinea. Các PTAs sẽ thúc đẩy những đặc điểm văn hóa, xã hội tương đồng, truyền thống lịch sử và quan hệ đối tác chính trị của mỗi nước thành lợi ích kinh tế cụ thể cho các dân tộc Indonesia và các quốc gia Nam Thái Bình Dương trong kỷ nguyên mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục