Lý do Hàn Quốc và Nhật Bản nên 'nhóm lửa sưởi ấm bên nhau'

Chính quyền ông Moon Jae-in cũng cảm thấy cần phải cải thiện quan hệ với Nhật Bản để Thế vận hội Tokyo (dự kiến bắt đầu vào tháng 7 tới) có thể trở thành cơ hội để giao lưu với Triều Tiên.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Businesskorea)

Theo nhật báo The Korea Herald (Hàn Quốc), tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ đã nhấn mạnh rằng hai bên nhất trí về "tầm quan trọng cơ bản" của hợp tác 3 bên (bao gồm cả Nhật Bản) trong việc đối phó với Triều Tiên và củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Sự đồng thuận giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã góp phần làm tăng khả năng họ sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga để tiến hành hội đàm 3 bên bên lề hội nghị thượng đỉnh G-7 diễn ra tại Anh sắp tới.

Việc thúc đẩy các cuộc họp 3 bên như vậy diễn ra trong bối cảnh Seoul và Tokyo đang có những bất đồng liên quan đến vấn đề lịch sử, trong khi Washington kêu gọi cả hai bên hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden coi việc hợp tác chặt chẽ với 2 đồng minh châu Á chủ chốt (Hàn Quốc và Nhật Bản) là điều cần thiết để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và kiểm soát một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Theo quan điểm của những người chỉ trích, chính quyền ông Moon Jae-in đã "cẩu thả" trong việc tìm kiếm các giải pháp ngoại giao để giải quyết mối bất hòa với Tokyo, khiến cho hoạt động ngoại giao trở nên phức tạp hơn bởi ảnh hưởng từ các phán quyết của tòa án Hàn Quốc.

[Nền tảng cơ bản của Hiệp định thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn]

Một số cộng sự của Tổng thống Moon Jae-in và các nhà lập pháp đảng Dân chủ đồng hành cầm quyền dường như muốn thúc đẩy tâm lý chống Nhật Bản để tập hợp cử tri trước cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra trong năm 2020 vừa qua. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020, bản thân Tổng thống Moon Jae-in và đội ngũ giúp việc đã bày tỏ ý định cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Trong một cuộc họp báo hồi tháng 1/2021, Tổng thống Moon Jae-in đã nói rằng chính phủ của ông sẽ xử lý các vấn đề "đang chờ giải quyết" với Tokyo theo cách linh hoạt hơn để xây dựng mối quan hệ đối tác song phương trong tương lai. Sự thay đổi lập trường đột ngột này dường như được thúc đẩy một phần bởi nỗ lực mới của Washington nhằm tăng cường hợp tác 3 Mỹ-Nhật-Hàn.

Chính quyền ông Moon Jae-in cũng cảm thấy cần phải cải thiện quan hệ với Nhật Bản để Thế vận hội Tokyo (dự kiến bắt đầu vào tháng 7 tới) có thể trở thành cơ hội để giao lưu với Triều Tiên. Tuy nhiên, quyết định của chính quyền ông Kim Jong-un không tham gia Thế vận hội mùa Hè Tokyo - được đưa ra vào tháng 4 vừa qua với lý do muốn bảo đảm an toàn cho các vận động viên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 - đã khiến Seoul thất vọng.

Bất chấp những nỗ lực hòa giải đó của Hàn Quốc, phía Nhật Bản vẫn kiên định lập trường. Đúng 4 tháng kể từ ngày nhậm chức, tân Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Kang Chang-il mới được phép trình quốc thư lên Nhật hoàng Naruhito.

Tokyo yêu cầu chính quyền ông Moon Jae-in phải "làm nhiều hơn nói", đồng thời lập luận rằng tất cả các vấn đề "bồi thường" bắt nguồn từ quá trình thực dân hóa bán đảo Triều Tiên (giai đoạn 1910-1945) đã được giải quyết theo một hiệp ước ký kết năm 1965 để bình thường hóa quan hệ song phương.

Mối bất hòa lâu dài về các vấn đề lịch sử này nay đã lan sang lĩnh vực thương mại và đầu tư. Một báo cáo do Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI) công bố ngày 31/5 cho thấy thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản giảm 11,9% trong giai đoạn 2019-2020 so với 2 năm trước, trong khi đầu tư của các nhà sản xuất vào Nhật Bản giảm 25,6%.

Hàn Quốc đã chứng kiến tổng đầu tư thương mại và sản xuất ở nước ngoài lần lượt giảm 7,6% và tăng 28,6% trong năm 2019-2020 so với 2 năm trước đó. Đầu tư của các nhà sản xuất Nhật Bản tại Hàn Quốc đã giảm mạnh (62,1%) mặc dù tổng đầu tư của họ ra nước ngoài tăng 47,8%.

Báo cáo kết luận rằng thương mại sụt giảm với Nhật Bản khiến Hàn Quốc thiệt hại 1,2 nghìn tỷ won (10,7 tỷ USD) sản lượng trong 2 năm qua.

Nhật báo The Korea Herald kết luận Hàn Quốc và Nhật Bản nên đưa mối quan hệ song phương đi đúng hướng để giúp thúc đẩy nền kinh tế cũng như tăng cường hợp tác 3 bên với Mỹ.

Chính quyền ông Moon Jae-in cần giải quyết các vấn đề với Tokyo theo cách đáp ứng các tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong khi Nhật Bản cần lắng nghe yêu cầu của các nạn nhân Hàn Quốc.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây về công dân Hàn Quốc và Nhật Bản do KERI (có trụ sở tại Seoul) thực hiện sẽ thúc đẩy chính phủ hai nước tăng cường nỗ lực thắt chặt quan hệ đối tác song phương. Gần 80% người được hỏi ở Hàn Quốc và 65% ở Nhật Bản cho rằng Seoul và Tokyo nên cố gắng xây dựng mối quan hệ hợp tác trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục