Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề nghị chính phủ tăng ngân sách lên mức kỷ lục, trong đó điều khoản chi tiêu chính khiến nước này phải tăng ngân sách là lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore để bảo vệ Nhật Bản trước đòn tấn công từ Triều Tiên.
Trong bài viết trên trang interaffairs.ru, tiến sỹ-viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự, đồng thời là chuyên viên khoa học chính của Viện Viễn Đông - ông Vladimir Petrovsky - cho rằng Nga và Trung Quốc coi hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore (mà Nhật Bản đề xuất ở trên) và Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc là những nhân tố làm thay đổi cán cân lực lượng chiến lược trong khu vực và không thể không bị đáp trả.
Vì vậy, có khả năng Moskva và Bắc Kinh sẽ tăng cường hợp tác không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà cả trong lĩnh vực kỹ thuật-quân sự, thậm chí không loại trừ việc Trung Quốc sẽ mua tên lửa S-400 của Nga. Nga và Trung Quốc phản đối việc Nhật Bản triển khai Aegis Ashore vì hệ thống này không những có thể chống tên lửa mà còn có khả năng tấn công, và như vậy là vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Liên Xô và Mỹ.
Nhà sản xuất Aegis Ashore là Lokheed Martin (Mỹ) đã tăng giá hệ thống này thêm 400 triệu USD vì hệ thống sẽ được trang bị các loại radar mới tầm xa siêu nhạy SPY-6, do công ty Ratheon của Mỹ sản xuất. Những radar này có độ nhạy cao gấp 30 lần so với loại SPY-1D hiện trang bị cho Aegis.
Như vậy, có thể thấy đang xuất hiện một hệ thống tương tự như THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc, vốn bị Trung Quốc phản đối gay gắt, coi đó là mối đe dọa tiềm tàng.
[Bộ trưởng Nhật Bản cảnh báo Nga, Trung Quốc tăng hành động quân sự]
Mối quan ngại của Trung Quốc là có cơ sở. Trạm định vị vô tuyến của hệ thống này có tầm xa tối đa 1.000km, khiến nó có lợi thế trước hệ thống quan sát vũ trụ. Nó có thể theo dõi tên lửa trong không gian ở độ cao 100km, khả năng mà vệ tinh không có được, và ngay khi tên lửa xuất phát từ lãnh thổ Trung Quốc, nó có thể ghi nhận sớm và chính xác hơn tất cả các phương tiện theo dõi và đánh chặn khác.
Kế hoạch bố trí THAAD và Aegis Ashore cũng có nhiều tương đồng với hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu: có lập vùng bao phủ mới, và những gì được bố trí trong đó thì không ai biết. Moskva coi động thái này là thành tố định vị hệ thống phòng thủ tên lửa chống Nga tại Đông Á cho đến tận Alaska vì những hệ thống này nhằm bảo vệ các căn cứ của Mỹ, có nghĩa là ở đó có thể bố trí cả những phương tiện kiềm giữ khác.
Thách thức chính đối với Nga nằm ở chỗ nếu làn sóng tăng cường vũ trang trong khu vực được khởi xướng, Moskva sẽ không thể bỏ qua. Moskva sẽ buộc phải bố trí thêm quân đội tại vùng Primorie và ít nhất phải bảo đảm phòng không cho vùng lãnh thổ kề cận này.
Nhiều khả năng việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông Bắc Á khiến Moskva và Bắc Kinh không chỉ gia tăng hợp tác chính trị, mà cả kỹ thuật quân sự, thậm chí Trung Quốc có thể mua giàn tên lửa chiến lược S-400 của Nga.
Ngày 22/8, trong cuộc gặp Tổng thống Phần Lan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố: “Chúng tôi phải phản ứng trước việc ngay sát biên giới của chúng tôi xuất hiện hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ. Tôi xin lưu ý ngài rằng đây không chỉ là hệ thống phòng thủ đơn thuần. Đây là hệ thống có thể sử dụng để phóng tên lửa tầm trung.”
Tạm thời, vấn đề này vẫn có thể giải quyết bằng con đường chính trị-ngoại giao.
Ví dụ, với sự ủng hộ của Trung Quốc, Nga có thể đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch và tạo sự tin cậy lẫn nhau trong lĩnh vực quân sự khi bố trí các hệ thống này trong khuôn khổ đối thoại an ninh ở Diễn đàn Khu vực châu Á, Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị về Phối hợp hành động và Các Biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA)./.