Lý do chính sách thị thực của Nhật chưa hấp dẫn các nước ASEAN

Hơn nửa năm kể từ khi Nhật Bản áp dụng chính sách thị thực mới dành cho lao động nước ngoài nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động, mới có chưa đầy 400 ứng viên nộp đơn được cấp thị thực.
Một lao động tại nhà máy ở Nhật Bản. (Nguồn: asia.nikkei.com)

Tờ Nikkei Asia Review vừa đăng bài phân tích về kết quả thực hiện chính sách thị thực mới của Nhật Bản.

Với tiêu đề "Nhật Bản cầu xin trợ giúp nhưng rất ít nước để ý," nhóm tác giả cho biết "Hà Nội có cách tiếp cận thận trọng do lo ngại về vấn đề giám sát đối với công dân ở Nhật Bản."

Dưới đây là nội dung bài viết.

Hơn nửa năm kể từ khi Nhật Bản áp dụng chính sách thị thực mới dành cho lao động nước ngoài nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động ở Xứ hoa anh đào, mới có chưa đầy 400 ứng viên nộp đơn được cấp thị thực.

Điều này cho thấy những thách thức mà nước này đang phải đối mặt trong việc tuyển dụng lao động nước ngoài.

[Tập đoàn thực phẩm MOS của Nhật Bản tuyển dụng 350 thực tập sinh Việt]

Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu chương trình cấp tư cách cư trú "lao động có kỹ năng đặc định" cho những lao động làm việc trong 14 ngành đang thiếu nhân công như nhà dưỡng lão và nhà hàng từ tháng 4/2019.

Những người có thị thực này có thể ở lại và làm việc tại Nhật Bản trong 5 năm mà không cần phải trải qua các bài thi sát hạch bổ sung, tăng 2 năm so với giới hạn 3 năm theo chương trình thực tập kỹ thuật trước đây.

Mục tiêu của chính sách này trong vòng 5 năm tới là thu hút 345.000 lao động nước ngoài có kỹ năng đặc định.

Tuy nhiên, tính đến ngày 27/9, mới chỉ có 376 người được cấp thị thực theo chương trình này.

Theo bà Shoko Sasaki, Ủy viên Hội đồng của Cơ quan Dịch vụ Nhập cư mới được thiết lập gần đây, cho biết hơn 2.000 đơn xin cấp thị thực vẫn đang được xem xét. Rất nhiều trong số những người nhận được thị thực mới đến từ các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia và Myanmar.

Tuy nhiên, có vẻ như Tokyo khó có thể hoàn thành kế hoạch ban đầu là cấp phép khoảng 40.000 người trong năm đầu tiên của chương trình.

Trong khi đó, các công ty Nhật Bản vẫn còn chậm trong việc tiếp nhận các lao động đã có thị thực.

Theo khuôn khổ chương trình tiếp nhận thực tập sinh kỹ thuật, các đơn vị sử dụng lao động có thể trả lương cho các lao động đặc định người nước ngoài thấp hơn so với người Nhật có cùng trình độ ở nơi làm việc.

Tuy nhiên, chương trình lao động đặc định yêu cầu phải trả lương cho lao động nước ngoài chí ít bằng mức thấp nhất.

Một giám đốc của Tenpo Ryutsuu Net, một tổ chức có trụ sở ở Tokyo chuyên hỗ trợ việc mở nhà hàng và đào tạo các lao động kỹ năng đặc định ở Việt Nam, nói: "Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những khu vực xa xôi hẻo lánh đặc biệt hoang mang trước điều kiện mức lương (dành cho lao động đặc định nước ngoài) phải tương đương với mức lương (thấp nhất) của người Nhật."

Bên cạnh đó, các rào cản đối với việc tuyển dụng còn nằm ở ngoài biên giới Nhật Bản. Philippines là nước duy nhất ngoài Nhật Bản đã tổ chức kỳ thi sát hạch để cấp thị thực.

Khoảng 300 người Philippines đã vượt qua kỳ thi này, nhưng họ vẫn chưa thể đi để sang Nhật Bản làm việc.

Theo ông Bernard Olalia, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Việc làm Hải ngoại Philippines, Manila đang siết chặt các hướng dẫn liên quan tới chương trình tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định nhằm ngăn ngừa khả năng tái diễn các vấn đề trong quá khứ và việc hoàn thành các quy định này phải mất thời gian.

Tại Việt Nam, vẫn chưa có kỳ thi sát hạch nào được tổ chức do những chậm trễ trong việc soạn thảo các thủ tục cơ bản như lựa chọn các đơn vị tuyển dụng lao động.

Cùng với đó, Việt Nam cũng có cách tiếp cận thận trọng do lo ngại về vấn đề giám sát đối với các công dân nước này ở Nhật Bản.

Ngoài ra, mức lương ở Nhật Bản cũng là một nhân tố bất lợi khác.

Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), năm 2019, mức lương bình quân của lao động trong nhà hàng ở Tokyo là 1.159 USD/tháng, chỉ hơn một chút so với con số 1.032 USD ở Singapore trong cùng kỳ. Và khoảng cách này vẫn đang được tiếp tục thu hẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục