Lý do châu Âu trở thành tiền đồn mới của Chiến tranh Lạnh Trung-Mỹ

Trung Quốc hy vọng sẽ duy trì đại cục hợp tác kinh tế Trung Quốc-EU, từ đó giúp giảm bớt những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc trước sự lấn lướt của Mỹ.
Lý do châu Âu trở thành tiền đồn mới của Chiến tranh Lạnh Trung-Mỹ ảnh 1Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) trước cuộc gặp ở Vácsava, Ba Lan, ngày 15/8. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Báo Liên hợp buổi sáng của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong ngày 17/9 có bài viết cho rằng, kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) bùng phát trên toàn cầu đến nay, xu hướng xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng bộc lộ rõ.

Đặc biệt trong những tuần gần đây, Trung-Mỹ dường như đã mở ra một chiến trường mới bên ngoài các khu vực điểm nóng truyền thống như Biển Đông và Đài Loan, đó chính là châu Âu - tuyến đầu trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô cũ.

Tại sao châu Âu một lần nữa trở thành tiền đồn đối đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh mới, Trung-Mỹ muốn gì ở châu Âu? Bài viết đăng trên báo Liên hợp buổi sáng đã phân tích về vấn đề này.

Vào giữa tháng 7/2020, sau nhiều tháng cân nhắc, Anh - đồng minh truyền thống của Mỹ, đã chính thức tuyên bố rằng họ sẽ loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi mạng 5G của họ. Đây có thể coi là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong cuộc tấn công của Mỹ ở châu Âu nhắm vào Trung Quốc. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thăm Anh và Đan Mạch, mục tiêu trực tiếp nhắm vào Trung Quốc.

Tại Anh, ông Pompeo đã thảo luận với chính phủ và các thành viên Quốc hội Anh về khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Trung Quốc trong nhiều vấn đề.

Trong chuyến thăm Đan Mạch, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod đã nói rõ rằng châu Âu cần một chính sách “thống nhất, hài hòa và cứng rắn” trong vấn đề Trung Quốc. Ông Kofod đồng thời nhấn mạnh rằng Đan Mạch và Mỹ có quan điểm giá trị chung và đều là “những người vạch ra quy tắc." Điều này rõ ràng cũng nhằm vào Trung Quốc.

Chỉ đúng một tháng sau, Ngoại trưởng Pompeo lại đến thăm châu Âu, mục đích quan trọng của ông vẫn là lôi kéo châu Âu chống lại Trung Quốc. Ví dụ, ở Slovenia, ông Pompeo và người đồng cấp nước chủ nhà Anze Logar đã ký cái gọi là "thỏa thuận về mạng lưới sạch," nội dung cốt lõi của nó là loại bỏ “những nhà cung cấp viễn thông không đáng tin cậy” khỏi dự án phát triển mạng di động 5G. Động thái này chắc chắn nhằm hạn chế các doanh nghiệp liên quan của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng lưới di động của hai nước này.

Tại Cộng hòa Séc, khi Ngoại trưởng Pompeo đọc bài phát biểu trước Quốc hội nước này, hơn 2/3 nội dung lại đều đề cập đến Đảng Cộng sản Trung Quốc và những chính sách mà phương Tây nên áp dụng.

Chỉ 20 ngày sau bài phát biểu của ông Pompeo, Chủ tịch Thượng viện Séc Miloš Vystrčil chính thức tổ chức một phái đoàn đến thăm Đài Loan, động thái này đã kích động nghiêm trọng Bắc Kinh và gây ra sự thù địch lớn giữa Trung Quốc và Cộng hòa Séc.

Đương nhiên, phía Trung Quốc không thể làm ngơ trước những hành động của Mỹ ở châu Âu cũng như "khoanh tay chờ chết." Vào cuối tháng 8/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đích đến của ông là năm nước châu Âu - bao gồm Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức. Đây hoàn toàn có thể coi là một cuộc phản công chống lại Mỹ.

[Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung tác động chuỗi cung ứng năng lượng thế nào?]

Kết thúc chuyến thăm, ông Vương Nghị cho biết sau khi ông trao đổi với các nhà lãnh đạo và ngoại trưởng của năm nước châu Âu, hai bên đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi như kiên trì chủ nghĩa đa phương, phản đối chủ nghĩa đơn phương; tăng cường đoàn kết và hợp tác, phản đối sự phân ly, chia rẽ; bảo vệ đại cục quan hệ Trung Quốc-EU, quản lý ổn thỏa bất đồng.

Trong đó, sự đồng thuần quan trọng nhất giữa hai bên là phản đối sự phân ly, chia rẽ. Điều này cho thấy Trung Quốc hy vọng sẽ duy trì đại cục hợp tác kinh tế Trung Quốc-EU, từ đó giúp giảm bớt những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc trước sự đàn áp của Mỹ, đồng thời duy trì bầu không khí tương đối hòa bình về chính trị giữa Trung Quốc và EU.

Nhìn chung, trọng tâm các hoạt động của Mỹ và Trung Quốc ở châu Âu vẫn còn khác nhau. Cụ thể, Mỹ đang ở vào thế tấn công, là bên chủ động ra đòn, mục tiêu là tìm kiếm các nước châu Âu phối hợp với Mỹ, áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc hạn chế đối với Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc đang ở thế phòng thủ. Trung Quốc không có quá nhiều năng lực thúc giục các nước châu Âu chống lại Mỹ, mục tiêu cơ bản của Bắc Kinh là giảm bớt sức ép của Mỹ, để châu Âu đi theo tiến độ của Mỹ càng chậm càng tốt.

Đối với Mỹ, chính sách của họ là thay đổi tương tác lành mạnh giữa Trung Quốc và châu Âu dựa trên sự hợp tác kinh tế trong quá khứ - nghĩa là tìm kiếm sự thay đổi. Còn đối với Trung Quốc, mục tiêu của họ lại là duy trì sự hợp tác và tương tác giữa Trung Quốc và châu Âu, đồng thời tiếp tục biến các chuỗi kinh tế trở thành "hòn đá tảng" cho mối quan hệ Trung Quốc-EU - nghĩa là đang tìm kiếm sự ổn định.

Lý do châu Âu trở thành tiền đồn mới của Chiến tranh Lạnh Trung-Mỹ ảnh 2Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Berlin, Đức, ngày 1/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại sao châu Âu có thể trở thành tiền đồn của vòng đối đầu Trung-Mỹ lần này? Có hai lý do chính. Thứ nhất, châu Âu chiếm một vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế và chính trị của thế giới ngày nay. Trong số 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới, châu Âu chiếm bốn ghế, và tầm quan trọng kinh tế của châu Âu là điều hiển nhiên. Ngoài ra, châu Âu có nhiều công ty quốc tế hạng nhất, trong đó có nhiều công ty có năng lực nghiên cứu khoa học lớn mạnh, vì vậy châu Âu có vai trò rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế thế giới.

Nếu Mỹ có thể áp đặt một cuộc phong tỏa kinh tế và công nghệ đối với Trung Quốc thông qua châu Âu, đó chắc chắn sẽ là một "cú đấm" nặng nề đối với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thể làm chậm lại hoặc thậm chí phá vỡ sự phong tỏa này, điều đó sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của chính họ. Về chính trị, quyền phát ngôn của châu Âu cũng rất nổi bật. Trong số 15 nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tây Âu chiếm bốn ghế, trong đó Anh và Pháp là nước ủy viên thường trực có quyền phủ quyết.

Trên bình diện dư luận quốc tế, những "gã khổng lồ" truyền thông như Tập đoàn Truyền thông Anh (BBC) có thể tác động lớn đến xu hướng của dư luận thế giới, nên không thể coi thường ảnh hưởng chính trị của châu Âu. Có thể nói, cuộc đọ sức Trung-Mỹ ở châu Âu được quyết định bởi tầm quan trọng của chính châu Âu.

Lý do thứ hai khiến Trung Quốc và Mỹ giành giật nhau ở châu Âu là để có nhiều không gian hơn nhằm vận động hành lang và xoay xở. Mặc dù châu Âu là một chỉnh thể gần gũi với Mỹ hơn Trung Quốc, nhưng xét cho cùng châu Âu lại không phải là một khối, giữa các quốc gia tồn tại sự khác biệt rõ ràng. Ví dụ, trong hành động chống lại Trung Quốc lần này, Cộng hòa Czech rõ ràng đứng về phe cực đoan, có thái độ cứng rắn; trong khi đó Đức tỏ ra tương đối ôn hòa và không làm bất cứ điều gì khiến Bắc Kinh phẫn nộ.

Nếu nói châu Âu đang cố gắng hình thành một chiến lược mới rộng hơn đối với Trung Quốc, thì ở giai đoạn then chốt hình thành chiến lược này, cả Trung Quốc và Mỹ đều hy vọng sẽ phát huy ảnh hưởng của mình để thay đổi các chính sách của châu Âu theo hướng họ mong muốn. Do đó, cả Trung Quốc và Mỹ đều thấy cần phải tăng cường vận động hành lang ở châu Âu.

Vì hai lý do trên, châu Âu đã trở thành khu vực tiền đồn trong vòng đối đầu Trung-Mỹ lần này. Có thể thấy trước rằng chiến lược của châu Âu sẽ không hoàn toàn nghe theo Mỹ, cũng như không hoàn toàn phục vụ Trung Quốc, nhưng châu Âu sẽ đưa ra các quyết định có lợi cho khu vực sau khi cân bằng các lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh của riêng mình.

Trong quá trình hình thành chiến lược mới đối với Trung Quốc, nội bộ các nước châu Âu nhiều khả năng sẽ có những khác biệt, song họ chắc chắn cũng sẽ vừa tính toán tới sự phụ thuộc sâu vào Mỹ về chính trị và an ninh, cũng như có những cân nhắc về kinh tế đối với Trung Quốc - công xưởng của thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục