Đạo diễn gốc Đài Loan (Trung Quốc) Lý An cho biết ông đã phá vỡ mọi nguyên tắc khi làm bộ phim “Life of Pi” (Cuộc đời của Pi), vừa được công chiếu ngày 28/9 vừa qua. Đây là tác phẩm phim 3D cực kì sống động dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên rất ăn khách, với công đoạn làm phim xoay quanh một diễn viên Ấn Độ vô danh, bốn con hổ và chiếc máy tạo sóng lớn nhất thế giới. Trong buổi ra mắt phim tại LHP New York ở Manhattan, vị đạo diễn này đã hài hước chia sẻ: “Có một nguyên tắc kinh điển trong điện ảnh: không bao giờ làm phim với động vật, trẻ em, nước và 3D. Nhưng chúng tôi đã buộc phải bỏ qua nguyên tắc đó.” Bởi chỉ khi vượt qua những rào cản trên, ông mới có thể đưa được cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Yann Martel lên màn ảnh. “Life of Pi” xoay quanh chàng trai Pi, người Ấn, sống sót trên biển cùng một con hổ Bengal và cùng nhau trải qua đủ mọi sóng gió. Ban đầu, ngay cả Lý An - người từng đoạt Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất cho “Brokeback Moutain” và Phim nước ngoài xuất sắc nhất cho “Ngọa hổ tàng long” - cũng từng không tin bộ phim sẽ thành công. Bởi ngoài việc rất khó thực hiện, nội dung chủ đạo của tác phẩm là hành trình đi tìm Chúa trời cũng không phải là điều thường được thấy trong các bộ phim Hollywood. Dần dần, những miếng ghép cho bộ phim cũng dần hình thành, đầu tiên là từ Suraj Sharma, cậu diễn viên 17 tuổi đến từ Delhi đã vượt qua hơn 3.000 người để vào vai chính. Điều đáng chú ý là ban đầu cậu chỉ tới buổi thử vai cùng anh trai để xem cho vui. Tại buổi công chiếu, Sharma thừa nhận: “Tất cả là nhờ anh tôi, anh ấy phải tới dự buổi thử vai và tôi đã thử đi cùng.” Những mảnh ghép còn lại được Lý An trải rộng ra, biến “Life of Pi” thành một sản phẩm quốc tế. Phần đầu bộ phim được quay tại Pondicherry, Ấn Độ với hơn 5,500 diễn viên quần chúng, đưa đất nước từng là thuộc địa của Pháp lên phim một cách ấn tượng với cuộc sống đường phố nhộn nhịp và những nghi lễ tôn giáo trang nghiêm. Phần sau của bộ phim kéo dài hai tiếng này được diễn ra trên biển, và Lý An đã đưa cả đoàn làm phim về Đài Trung (Đài Loan), quê hương ông để quay trong một bể nước tạo sóng được thiết kế đặc biệt có thể chứa tới tận 6.4 triệu lít nước. “Chúng tôi đã tự tạo ra Hollywood cho riêng mình,” Lý An bộc bạch. Kết quả là hình ảnh của bộ phim trở nên cực kì ấn tượng, nhất là với hiệu ứng 3D khi khán giả có thể thấy những con cá nhảy tung tăng như trước mặt, những chuyến viếng thăm lòng biển với nhiều loài sinh vật lạ kì … Sau khi đã có được nam diễn viên chính và một số ngôi sao phụ danh tiếng, bao gồm cả gã đầu bếp Pháp do siêu sao Gerard Depardieu thủ vai, Lý An vẫn gặp khó khăn khi tìm nhân vật quan trọng còn lại: Chú hổ. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực bất thành, chú hổ Richard Parker mà khán giả được thấy trên phim lại là sản phẩm của kĩ xảo điện ảnh và được mô phỏng từ hình ảnh, cử động của bốn chú hổ thật. Chuyên gia huấn luyện Thierry Le Portie, người từng tham gia đoàn làm phim “Gladiator” (Võ sĩ giác đấu), đã tìm thấy ba chú hổ tại Pháp và một tại Canada. Theo Lý An, chú hổ đực có tên King là hình mẫu chính cho Richard Parker, trong hai cô hổ cái từ Pháp được dùng để các cử động của Richard trên phim được uyển chuyển hơn, hoặc trong những trường đoạn chú tỏ ra hung dữ. Chú hổ còn lại tới từ Canada được sử dụng trong những cảnh Richard tỏ ra ngoan ngoãn hoặc nhớ nhà.
Đoàn làm phim Lihe oí Pi của đạo diễn Lý An (Nguồn: AFP)
Theo nam diễn viên Sharma thì sau một thời gian quay, bể nước ở Đài Loan “như dần trở thành nhà tôi” và anh đã phải gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm từ Steve Callahan, một người từng lênh đênh trên biển với một mảnh ván và là tác giả của cuốn sách “Adrift” (Chơi vơi). Song theo anh thì điều đáng nhớ nhất của phim là anh phải diễn cảnh hoảng sợ trước chú hổ đói trước phông màn và xung quanh chẳng có gì cả. Sharma cười khi nhớ lại: “Chả hề có con hổ thật nào cả, con thuyền hoàn toàn trống rỗng.” Sau buổi công chiếu, nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình đã được đưa ra và thậm chí một số tờ báo còn coi đây như một ứng cử viên cho giải Oscar nhờ vào các cảnh quay đẹp và hiệu ứng 3D được sử dụng đầy nghệ thuật. Chỉ có một số ít tỏ ra không hài lòng khi cho rằng nội dung bộ phim quá thiên về văn hóa phương Đông. Tờ Variety đưa ra kết luận: “Lý An đã sử dụng kĩ thuật làm phim tân tiến nhất để đem lại cảm giác hài lòng cho khán giả một cách gần gũi nhất.”/. Trailer phụ đề tiếng Việt của "Life of Pi" (khởi chiếu tại Việt Nam từ 15/12):
|
Quốc Thịnh (Vietnam+)