LVMH trở thành doanh nghiệp EU đầu tiên có giá trị đạt 500 tỷ USD

Phiên 24/4, giá cổ phiếu của tập đoàn sở hữu thương hiệu Louis Vuitton và Dior tại Paris đã tăng 0,3% lên 903,70 euro, để nâng giá trị của LVMH lên 454 tỷ euro, tương đương 500,3 tỷ USD.
LVMH trở thành doanh nghiệp EU đầu tiên có giá trị đạt 500 tỷ USD ảnh 1(Nguồn: viplounge.lv)

Tập đoàn xa xỉ phẩm LVMH đã trở thành tập đoàn đầu tiên của châu Âu có giá trị thị trường đạt 500 tỷ USD, nhờ người tiêu dùng Trung Quốc gia tăng chi tiêu, sau khi chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19.

Phiên 24/4, giá cổ phiếu của tập đoàn sở hữu thương hiệu Louis Vuitton và Dior tại Paris đã tăng 0,3% lên 903,70 euro, để nâng giá trị của LVMH lên 454 tỷ euro, tương đương 500,3 tỷ USD.

LVMH là tập đoàn duy nhất của châu Âu nằm trong danh sách 10 tập đoàn hàng đầu thế giới tính theo giá trị thị trường, vốn do các tập đoàn công nghệ Mỹ thống trị và Apple dẫn đầu. LVMH đứng ở vị trí thứ 10, trước Visa và chỉ sau Tesla.

Cột mốc quan trọng này đồng nghĩa với việc giá trị cổ phần do nhà sáng lập Bernard Arnault và gia đình ông nắm giữ đạt 212 tỷ USD. Ông Arnault, tỷ phú người Pháp, là người đàn ông giàu nhất thế giới khi vượt qua ông chủ Tesla Elon Musk.

LVMH đã được hưởng lợi từ triển vọng kinh tế cải thiện tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là thị trường tăng trưởng lớn nhất của lĩnh vực hàng xa xỉ, cũng như đà tăng của đồng euro.

LVMH đã công bố doanh thu tăng 17% trong I/2023, nhờ thị trường xa xỉ phẩm của Trung Quốc đang phục hồi. Đối thủ Hermes (Pháp) cũng báo cáo doanh số bán hàng toàn cầu đã tăng gần 25% trong cùng kỳ.

[Ông chủ LVMH lần đầu tiên trở thành người giàu nhất thế giới]

Các nhà phân tích tại Bernstein nhận định LVMH đang tận dụng tối đa mức tăng trưởng nhu cầu bền vững tại châu Âu và Mỹ, đồng thời gặt hái lợi ích từ đà phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ trong chi tiêu của Trung Quốc.

Theo công ty tư vấn Bain, sau khi giảm mạnh trong thời gian đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm 2020, doanh số bán hàng trong lĩnh vực xa xỉ đã phục hồi lên 1.150 tỷ euro trong năm 2021 và tiếp tục tăng 20% trong năm 2022. 

Đà tăng trưởng trong thập kỷ qua phản ánh sự gia tăng toàn cầu của tầng lớp trung lưu, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong thời kỳ đại dịch, việc tích lũy tiền tiết kiệm đã thúc đẩy hoạt động mua sắm xa xỉ phẩm. Chính sách tăng giá đáng kể đối với nhiều mặt hàng xa xỉ, đặc biệt là hàng da và túi xách, cũng giúp tăng tỷ suất lợi nhuận.

Lạm phát gia tăng, bất ổn địa chính trị và chi phí sinh hoạt siết chặt đã không ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ hàng xa xỉ của tầng lớp thượng lưu. Song , một số công ty phụ thuộc nhiều hơn vào người tiêu dùng tầm trung như Coach và Ralph Lauren lại đang chịu sức ép.

Caroline Reyl, người đứng đầu mảng thương hiệu cao cấp tại Pictet Asset Management, cho biết vấn đề đáng quan tâm hiện nay là tốc độ phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc sau năm 2022 khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục