Người bị bệnh máu là nhóm có nguy cơ gặp phải những diễn biến nặng khi mắc COVID-19 do đặc điểm của bệnh là ảnh hưởng trực tiếp đến những tế bào sinh máu.
Với bệnh nhân ung thư máu, trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ phải sử dụng các loại thuốc, hóa chất và các phương pháp điều trị có ảnh hưởng rất lớn, làm suy giảm hệ miễn dịch của bệnh nhân. Vì thế, người bị bệnh máu nói chung và ung thư máu nói riêng cần được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 và phải có những lưu ý đặc biệt.
Theo Bác sỹ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, việc tiêm vaccine COVID-19 cho bệnh nhân mắc bệnh máu là vô cùng quan trọng, giúp giảm nguy cơ bệnh nặng lên nếu chẳng may người bệnh mắc COVID-19.
Vấn đề cần lưu ý khi tiêm vaccine cho người bị bệnh máu là loại vaccine phù hợp, thời điểm tiêm, khoảng cách giữa đợt điều trị và đợt tiêm vaccine như thế nào…
Tất cả các vaccine COVID-19 hiện được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua đều có dữ liệu an toàn với người bình thường và bệnh nhân mắc bệnh máu.
Tuy nhiên, tùy loại vaccine sẽ có những tác dụng phụ (tỷ lệ thấp) khác nhau có thể xảy ra, do đó, bệnh nhân mắc bệnh máu cần phải quan tâm đến những tác dụng phụ dù là nhỏ nhất để lưu ý tìm loại vaccine phù hợp.
Ví dụ, vaccine Astrazeneca có tác dụng phụ với tỷ lệ thấp là gây xuất huyết giảm tiểu cầu hoặc gây huyết khối thì những bệnh nhân thuộc nhóm bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu hay có nguy cơ tăng đông như Thalassemia cần cẩn trọng hơn khi tiêm và phải được tiêm ở các cơ sở y tế, có sự theo dõi chặt chẽ sau khi tiêm...
Bác sỹ Võ Thị Thanh Bình cho biết thêm, thời điểm tiêm, khoảng cách giữa các đợt tiêm và điều trị cũng có những quy định tương đối và phù thuộc vào diễn biến bệnh của từng người và từng thể bệnh.
Người bệnh có thể tiêm vaccine sau khi điều trị hóa chất nếu các chỉ số xét nghiệm ổn định. Với bệnh nhân Lơxêmi cấp dòng tủy nên tiêm sau khi bạch cầu trung tính hồi phục và có thể tiêm bất cứ loại vaccine nào đã được cấp phép.
Bệnh nhân Lơxêmi kinh dòng bạch cầu hạt, tăng sinh tủy, đa u tuỷ xương, U lympho ác tính không điều trị Rituximab được khuyến cáo tiêm sớm hơn, bất kể khi nào có thể tiếp cận với vaccine nếu người bệnh không có các yếu tố chống chỉ định khác về mặt dị ứng và các xét nghiệm ổn định.
[Tiêm vaccine sẽ giúp trẻ bớt được triệu chứng nặng khi mắc bệnh]
Với một số nhóm bệnh rối loạn dòng lympho như bệnh bạch cầu Lympho mãn tính, U lympho không hodgkin tế bào B… phải điều trị Rituximab, để tiêm vaccine có hiệu quả sẽ phải có kế hoạch tiêm sau khi dừng điều trị Rituximab ít nhất 4-5 tháng (tốt nhất là sau 6 tháng) và sau tiêm mũi 2 ít nhất 2 tuần mới điều trị Rituximab.
Với bệnh nhân mới chẩn đoán và bệnh nhân có kế hoạch ghép tế bào gốc nếu có thể nên hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine trước khi điều trị/ghép tế bào gốc 2 tuần.
Việc trì hoãn tiêm vaccine cho người bệnh máu hiện đã có sự thay đổi: Trước kia, theo các khuyến cáo không chỉ vaccine COVID-19 mà cả các vaccine thông thường cần trì hoãn ít nhất 6 tháng với bệnh nhân ghép tế bào gốc hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Tuy nhiên hiện nay Mạng lưới ung thư quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo, người bệnh có thể tiêm vaccine COVID-19 sau khi ghép tế bào gốc tự thân/đồng loài, điều trị liệu pháp tế bào hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch 3 tháng.
Với mỗi người bệnh, khả năng sinh kháng thể sau tiêm vaccine sẽ khác nhau. Vì vậy, tốt nhất người bệnh ghép tế bào gốc đồng loài vẫn nên tiêm vaccine sau khi ghép 6 tháng. Việc lựa chọn thời điểm tiêm vaccine còn cần cân nhắc dựa trên yếu tố dịch tễ, khả năng giữ gìn, hạn chế tiếp xúc của người bệnh…
Bác sỹ Võ Thị Thanh Bình lưu ý thêm, có một số trường hợp sau khi tiêm vaccine, cơ thể sẽ có phản ứng sưng hạch, thường là cùng bên tay với bên tiêm vaccine. Do đó, nhóm bệnh nhân tăng sinh lympho nếu có biểu hiện hạch sưng to cùng bên tay tiêm thì không cần quá lo lắng vì đó là phản ứng bình thường của cơ thể. Các bác sỹ khi tiếp nhận bệnh nhân cần xem xét kỹ để tránh nhầm lẫn giữa phản ứng phụ sau khi tiêm với biểu hiện bệnh tái phát./.