Ngày 26/9, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và Cục Lưu trữ (Bộ Nội vụ) đã phối hợp tổ chức lần đầu tiên Hội thảo khoa học "Lưu trữ Việt Nam cộng hòa (1955-1975) - Góc nhìn từ lịch sử và lưu trữ học."
Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các Viện, trường đại học và các cơ quan quản lý, làm công tác lưu trữ trong cả nước tham gia.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, trao đổi về các nội dung chính như nghiên cứu về chế độ Việt Nam cộng hòa và việc sinh ra khối tư liệu lưu trữ của chế độ Việt Nam cộng hòa; những bộ phận cấu thành khối tài liệu lưu trữ dưới chế độ Việt Nam cộng hòa và công tác lữu trữ ở Trung ương và cả khối tài liệu có hệ thống ở địa phương; phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ Việt Nam cộng hòa được thể hiện trong việc giảng dạy và nghiên cứu; vấn đề tiếp tục phát huy giá trị tài liệu lưu trữ này trong thời gian tới...
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ Hà Minh Hồng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức hội thảo, cho biết cho đến ngày sụp đổ hoàn toàn (30/4/1975), cũng là thời điểm kết thúc 20 năm tồn tại, chế độ Việt Nam cộng hòa để lại một khối tài liệu rất lớn.
Hiện khối tài liệu lưu trữ này đang được bảo quản, xử lý, khai thác, sử dụng ở Trung tâm lưu trữ quốc gia II Thành phố Hồ Chí Minh.
Mục đích của Hội thảo nhằm làm rõ quá trình xây dựng tổ chức lưu trữ Việt Nam cộng hòa (1955-1975); những giá trị của tài liệu lưu trữ Việt Nam cộng hòa và khả năng khai thác để phục vụ xã hội; vai trò của các Trung tâm lưu trữ quốc gia, trước hết là Trung tâm lưu trữ quốc gia II và IV trong việc tiếp nhận và bảo quản, phát huy giá trị khối tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam cộng hòa; những di sản mà Việt Nam cộng hòa để lại về công tác lưu trữ./.