Ngay từ khi Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9/7, Bộ Giao thông vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã nhanh chóng xây dựng lộ trình để ưu tiên vận chuyển hàng hóa thiết yếu, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân Thành phố, góp phần “giải nhiệt” cho tình hình dịch bệnh đang gay gắt hiện nay tại phía Nam.
Các địa phương đồng lòng
Cùng với quy trình xây dựng "luồng xanh" vận chuyển hàng hóa về trung tâm tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương khu vực Đồng bằng sông cửu Long cùng đồng lòng thực hiện, một mặt vừa duy trì nối chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cho Thành phố Hồ Chí Minh, mặt khác vừa giúp người dân các địa phương này tiêu thụ được nông sản, tránh ứ đọng, thiệt hại về kinh tế.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng ban hành văn bản số 1260/SGTVT-QLVT.PTNL tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng chia sẻ tỉnh Sóc Trăng có phương án phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát để bảo đảm cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhân dân, hàng hóa của các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho người dân không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
Tỉnh Sóc Trăng cũng đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải phân "luồng xanh" vận tải tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam sông Hậu để tạo điều kiện cho đội ngũ vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm được thuận lợi, cung ứng kịp thời bữa ăn hàng ngày cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng dịch bệnh, hạn chế việc khan hàng, tăng giá trong tình huống khó khăn nhất.
[Gấp rút tìm phương án điều phối nông sản, thực phẩm khu vực phía Nam]
Tại tỉnh Đồng Tháp, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp cũng đã tiến hành xây dựng lộ trình giao thông phân "luồng xanh" cho vận tải cung ứng hàng hóa tại các tuyến Quốc lộ 80, Quốc lộ 91, Quốc lộ 30 để đi đến các địa phương Long An, Kiên Giang, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp cũng thực hiện theo Công văn số 342/UBND/THVC ngày 11/7/2021 về việc di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố cho biết Tổng cục Đường bộ đã xây dựng kịch bản đảm bảo lưu thông hàng hóa cho các phương tiện vận tải, vận chuyển hàng hóa thiết yếu.
Bộ Giao thông vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ nghiên cứu mô hình của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đang làm và xây dựng phần mềm để ứng dụng "luồng xanh" trên cả nước.
Tính đến cuối ngày 18/7 vừa qua, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp hơn 33.000 giấy nhận diện cho các đơn vị trên 19 tỉnh thành ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Trong số các đơn vị được Sở Giao thông Vận tải Thành phố cấp giấy, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu mối được cấp nhiều giấy nhận diện nhất với 8.521 phương tiện. Đây là các đơn vị đầu mối về thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm cung cấp cho Thành phố.
Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày, có khoảng 45.000 tấn hàng hóa ra vào các cảng biển và 228.000 tấn/ngày đối với hàng hoá lưu thông đường thuỷ.
Nhìn chung, lượng hàng hóa không giảm so với trước đây. Điều này cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu của Thành phố vẫn được đảm bảo.
Riêng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh triển khai 12 chốt kiểm soát nghiêm ngặt tại các cửa ngõ ra vào Thành phố. Từ ngày 12/7 đến nay, cơ bản không có sự ùn ứ tại các chốt kiểm tra. Thành phố cũng ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tham gia hoạt động vận tải.
Huy động toàn lực
Mặc dù đã lường trước các tình huống, các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương 19 tỉnh phía Nam chung tay xây dựng lộ trình xanh để cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân trong vùng dịch, đặc biệt là các khu vực cách ly, phong tỏa, nhưng nguồn thực phẩm đưa về đây vẫn gặp nhiều trở ngại, không thông suốt như trước đây.
Chị Cao Thị Thủy, ngụ tại phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ kể từ khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16, gia đình chị chỉ ở nhà.
Tuy nhiên, nhu cầu lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu vẫn rất cần nên mỗi ngày chị đều phải đến cửa hàng tiện ích, siêu thị. Qua các ngày, các loại rau đều tăng giá 5.000 đồng/kg, các loại củ tăng nhẹ hơn, trái cây giữ được giá cũ trong 5 ngày từ ngày 9/7 đến 14/7.
Tuy nhiên, đến ngày 19/7, giá thực phẩm, rau củ quả tăng đến bất ngờ, thịt lợn tăng bình quân 40.000 đồng/kg. Các loại, rau củ quả tăng gấp đôi so với ngày 9/7.
Trước tình trạng tăng giá chung các mặt hàng thiết yếu, trong khi hệ thống vận chuyển, vận tải dù đã làm việc tích cực nhằm duy trì chuỗi cung ứng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động toàn lực để hạn chế sự đứt gãy hàng hóa, ổn định chuỗi cung ứng.
Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động cả vận tải đường thủy vào vận chuyển hàng hóa thiết yếu, cung cấp cho người tiêu dùng. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp vận tải đường thủy để có phương án hoạt động cho tàu cao tốc đường thủy tốt nhất.
Hưởng ứng hoạt động này, công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Xanh DP (Greenline DP) đã tham gia phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu của Sở Giao thông vận tải Thành phố.
Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty Greenline DP cho biết, mỗi chuyến tàu cao tốc có thể chở khoảng 20 tấn rau, củ quả, tương ứng với khối lượng vận tải của 30-40 xe tải nhỏ.
Cho đến nay, công ty đã vận hành 4-5 tàu cao tốc để thực hiện kết nối chuỗi cung ứng rau củ quả này. Để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, đội ngũ nhân viên tàu cao tốc Greenlines DP đã được tiêm vắc xin, hoạt động rất chuyên nghiệp. Quá trình vận chuyển, đội ngũ lái tàu, nhân viên đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch COVID-19.
Phương án tạo "luồng xanh" cho đường thủy; trong đó sử dụng tàu cao tốc vận chuyển hàng rau củ quả, thủy hải sản tươi sống đến Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ thêm cho đường bộ, giúp cho hàng hóa từ các tỉnh đến Thành phố và ngược lại lưu thông nhanh hơn.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng công nghệ để cấp giấy nhận diện phương tiện (tạo luồng xanh) cho các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, sản xuất kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân... (từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và ngược lại, xe quá cảnh qua địa bàn thành phố).
Các xe được cấp giấy nhận diện khi qua chốt kiểm soát, lực lượng chức năng sẽ quét mã QR và tạo điều kiện cho xe lưu thông. Giải pháp này để thúc đẩy quá trình vận chuyển hàng hóa được thông suốt trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm./.