Lượng tồn kho khí đốt cao kỷ lục của châu Âu lại tăng do thời tiết ấm

Các nhà phân tích dự đoán thời tiết mùa Đông năm nay ấm hơn khiến giá khí đốt giao tháng 1/2024 tại châu Âu đã giảm xuống dưới 47 euro/megawatt giờ vào ngày 6/11.
Lượng tồn kho khí đốt cao kỷ lục của châu Âu lại tăng do thời tiết ấm ảnh 1Một trạm trung chuyển khí đốt tại Werne, miền tây nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lượng tồn kho khí đốt cao kỷ lục của châu Âu tiếp tục gia tăng do thời tiết ấm áp đầu mùa Thu làm giảm nhu cầu sưởi ấm, trong khi giá nhiên liệu cao đã hạn chế phần nào nhu cầu sử dụng trong ngành công nghiệp.

Tuy vậy, giá khí đốt kỳ hạn giao vào thời kỳ cao điểm của mùa Đông (tháng 1/2024) đã bắt đầu giảm do lượng tồn kho kỷ lục.

Cụ thể, giá khí đốt giao tháng 1/2024 tại châu Âu đã giảm xuống dưới 47 euro/megawatt giờ vào ngày 6/11, từ mức trung bình hơn 57 euro/megawatt giờ của 10 ngày giao dịch trước đó. Nguyên nhân là do các nhà phân tích dự đoán thời tiết mùa Đông năm nay ấm hơn.

Theo dữ liệu tổng hợp từ Cơ sở Hạ tầng Khí châu Âu (GIE), một hiệp hội tập hợp các nhà khai thác cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, lượng khí đốt trong kho trên khắp Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đã đạt kỷ lục 1.146 terawatt giờ (TWh) vào ngày 5/11. Mức tồn kho này cao hơn 189 TWh (tương đương 20%) so với mức trung bình của cùng kỳ 10 năm liên tiếp trước đó.

Một phần nguyên nhân là bởi khu vực Tây Bắc Âu đã trải qua một khởi đầu mùa Thu với nhiệt độ tại thành phố Frankfurt của Đức cao hơn 3,5 độ C so với mức trung bình của các tháng Chín và cao hơn 2,5 độ C so với mức trung bình của các tháng 10 trong dài hạn.

[EU cân nhắc gia hạn giá trần khí đốt để tránh khủng hoảng năng lượng]

Bên cạnh đó, giá khí đốt giao kỳ hạn cao và chiến lược dàn trải kỳ hạn (chiến lược mua và bán hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn của cùng một loại hàng hóa nhưng khác tháng đáo hạn) vẫn diễn ra sôi động đã hạn chế khả năng nối lại sử dụng khí đốt trong lĩnh vực công nghiệp và khuyến khích tiếp tục nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Trên thực tế, giá khí đốt giao ngay cao hơn khoảng 2,5 lần so với mức trung bình 5 năm thuộc giai đoạn 2016-2020, khiến việc mua khí đốt giao ngay trở nên rất đắt đỏ. Hầu hết các khách hàng sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp mua theo chiến lược dàn trải kỳ hạn, nhưng giá của các hợp đồng khí đốt giao kỳ hạn cho năm 2024 cũng đạt mức trung bình 52 euro/megawatt giờ trong tháng 10, từ mức dưới 20 euro/megawatt giờ được khi nhận trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine.

Gần đây hơn, xung đột ở Trung Đông và khả năng gián đoạn nhập khẩu khí đốt đã đẩy giá khí đốt ở châu Âu leo thang.

Theo giới chuyên gia, châu Âu vẫn cần tiết kiệm khí đốt trong mùa Đông này nhưng với lượng khí đốt dự trữ hiện nay thì gần như không có khả năng mức tồn kho sẽ giảm xuống mức cực thấp, bất kể thời tiết như thế nào.

Dựa trên mức lưu trữ khí đốt hiện tại và mức thấp lịch sử trong thập kỷ qua, tồn kho khí đốt của châu Âu dự kiến sẽ giảm xuống khoảng 575 TWh (tương đương 50%) trước khi kết thúc mùa Đông 2023-2024.

Cho dù mùa Đông năm nay diễn ra rất khắc nghiệt, lượng tồn kho khí đốt của châu Âu khó có thể giảm xuống dưới 368 TWh (tương đương 32%). Nếu mùa Đông diễn biến ôn hòa, lượng tồn kho khí đốt của "lục địa Già" có thể lên tới 795 TWh (69%)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục