Một nghiên cứu mới công bố ngày 18/8 cho thấy lượng rác thải nhựa lơ lửng ngay bên dưới bề mặt của Đại Tây Dương ngày nay có thể cao hơn tổng lượng rác thải ước tính đã đổ về đại dương này từ năm 1950.
Để có được kết luận trên, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Hải dương học quốc gia Anh đã tiến hành phân tích mẫu của 3 loại rác thải nhựa phổ biến nhất và dựng mô hình máy tính.
Các kết quả giúp chỉ ra quy mô thực tế lượng rác thải ẩn bên dưới bề mặt đại dương lớn thứ hai thế giới.
[Nguy cơ rác thải nhựa đổ xuống biển tăng gấp 3 lần vào năm 2040]
Ước tính, các đại dương trên Trái Đất chứa khoảng 150 triệu tấn rác thải nhựa, thường dưới dạng các hạt vi nhựa.
Những hạt vi nhựa này xuất hiện ở mọi đại dương trên Trái Đất và thậm chí đã được tìm thấy ở những tầng sâu nhất của các đại dương.
Dù xuất hiện ở khắp nơi nhưng việc đo đạc chính xác lượng rác thải nhựa trên đại dương lại rất khó thực hiện.
Để khắc phục hạn chế này, nhóm nghiên cứu đã phân tích nhựa thu thập được từ các mẫu vật lấy ở 12 địa điểm trên dải bề mặt kéo dài 10.000km của Đại Tây Dương.
Sau đó nhóm đánh giá mật độ của 3 loại rác thải nhựa đại dương phổ biến nhất, gồm polyethylene, polypropylene và polystyrene, ở độ sâu từ 10-100m bên dưới bề mặt đại dương.
Dựa trên các mô hình máy tính về xu hướng hình thành rác thải nhựa trên đại dương từ năm 1950, các nhà nghiên cứu ước tính Đại Tây Dương hiện nay chứa từ 17-47 triệu tấn rác thải nhựa.
Như vậy, con số 47 triệu tấn cao hơn tổng cộng lượng rác thải nhựa ước tính đổ ra Đại Tây Dương kể từ giữa thế kỷ trước tới nay.
Ngoài ra, trong vùng nước 200m tính từ bề mặt của Đại Tây Dương, nơi sinh sống của phần lớn các sinh vật biển, có tối đa 20 triệu tấn vi nhựa.
Nghiên cứu đăng trên Nature Communications một lần nữa chỉ ra thế giới cần phải nhanh chóng đánh giá chính xác hơn về lượng rác thải nhựa trên đại dương.
Ước tính hiện nay là khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra Đại Tây Dương mỗi năm, gây ra những tác hại chưa lường hết với chuỗi thức ăn trong lòng đại dương, nguồn cung cấp thực phẩm và thu nhập cho hàng trăm triệu người trên thế giới.
Nhóm nghiên cứu lưu ý dù rác thải nhựa vẫn có thể tái chế nhưng tới nay các chính sách quản lý đã không phát huy hiệu quả ngăn chặn dòng rác thải nhựa tiếp tục đổ về đại dương và hiện đang có quá nhiều nguồn xả rác thải nhựa./.