Thông tin từ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC - Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, tỷ lệ người sử dụng thực tế địa chỉ internet thế hệ mới IPv6 đạt 0,03%. Con số này rất thấp khi so sánh với trung bình của thế giới là 10,41% (theo thống kê của Google tới giữa tháng Một).
Tại Hội thảo “Hành động quốc gia về IPv6 - Chung tay cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng” do VNNIC-Thường trực Ban Công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia tổ chức sáng 6/5 tại Hà Nội, đại diện VNNIC cho biết bên cạnh việc tỷ lệ người dùng IPv6 thấp thì lưu lượng thực tế IPv6 không đáng kể.
Ngoài ra, mức độ triển khai IPv6 của các doanh nghiệp chưa đồng đều, kết quả chủ yếu vẫn từ các nhà mạng và các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Trong khi đó, các đối tượng mới được bổ sung vào từ giai đoạn II Kế hoạch quốc gia về IPv6 gồm các doanh nghiệp cung cấp nội dung, các báo điện tử, các nhà đăng ký tên miền chưa có kết quả triển khai đáng ghi nhận.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho hay, đơn vị này đã nhận ra thách thức sớm khi cạn kiệt nguồn địa chỉ IPv4, vì vậy, từ năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị thúc đẩy chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển Internet.
“Hiện nay, xu hướng công nghệ Internet của vạn vật (IoT) đã trở thành hiện thực và sẽ sớm phát triển bùng nổ tại Việt Nam, khi đó nhu cầu sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 sẽ ngày càng bức thiết,” ông Tâm nói.
Để đáp ứng đòi hỏi này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia. Theo ông Tâm, thời điểm 2016-2020 là giai đoạn cốt lõi để phát triển cung cấp các dịch vụ trên nền IPv6 đến người sử dụng và khi đó, lưu lượng Internet trên nền IPv6 sẽ tăng.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, một trong những giải pháp mà Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia đã họp và thống nhất là phải tạo thành một hệ sinh thái bền vững giữa các nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cũng như các nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin có ứng dụng IPv6. Bởi lẽ, chỉ khi nào chúng ta tạo được hệ sinh thái thì lưu lượng IPv6 mới tăng lên.
“Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban công tác sẽ rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách để hỗ trợ cho việc phát triển dịch vụ trên nền IPv6, tạo điều kiện cho lưu lượng IPv6 tăng trong thời gian tới,” ông Tâm nhấn mạnh./.