Tổ chức Giám sát khí hậu ngày 19/11 thông báo lượng khí thải carbon dioxide của Brazil đã lần đầu tiên tăng trong một thập kỷ qua, nguyên nhân chủ yếu do tình trạng gia tăng phá rừng Amazon.
Theo báo cáo, trong năm 2013, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Brazil đă tăng lên mức 1,5 tỷ tấn, cao hơn 7,8% so với năm 2012. Đây là sự thay đổi đột ngột so với xu hướng giảm lượng khí thải được duy trì từ năm 2005 đến nay.
Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân chủ yếu do phá rừng tăng (16,4%) và tăng lượng khí phát thải trong ngành năng lượng (7,3%).
Trong thập kỷ qua, Brazil đã nỗ lực giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách chặn đà phá rừng Amazon. Năm 2012, nước này đã thu hẹp diện tích rừng bị phá xuống mức thấp nhất nhưng chỉ trong một năm sau, diện tích rừng bị chặt hạ lại tăng lên tới 29% và đang có xu hướng tăng tiếp.
Theo một báo cáo mới công bố, trong tháng 10 vừa qua, diện tích rừng Amazon bị chặt phá tại 9 bang của Brazil lên tới 244 km2, gấp hơn 5 lần so với con số chỉ 43 km2 trong cùng kỳ năm ngoái và bằng với diện tích của 24.000 sân bóng đá. Khoảng 60% diện tích rừng bị tàn phá diễn ra tại khu vực do tư nhân kiểm soát hoặc do nông dân chiếm dụng bất hợp pháp.
Brazil là nước có lượng phát thải đứng thứ 7 thế giới với lượng khí thải bình quân đầu người là 7,8 tấn/năm, cao hơn mức 7,2 tấn trung bình toàn cầu.
Quốc gia Nam Mỹ này cam kết cắt giảm 39% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 và giảm 80% diện tích rừng Amazon bị phá.
Rừng rậm nhiệt đới Amazon thuộc lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ. Với diện tích gần 7 triệu km2, rừng Amazon trải dài trên lãnh thổ của 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname; trong đó, 60% diện tích rừng nằm trên lãnh thổ của Brazil. Rừng rậm Amazon được coi là "lá phổi" của Trái Đất và là "ngôi nhà sinh thái" của hàng nghìn loài động, thực vật./.