Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính giảm kỷ lục trong năm 2020

"Dự án Carbon toàn cầu" đánh giá góp phần làm giảm lượng khí thải CO2 là do nhiều nước trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế đi lại để chống dịch COVID-19 lây lan.
Cảnh vắng vẻ trên một tuyến phố ở Ottawa, Canada khi dịch COVID-19 bùng phát, ngày 23/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 trong năm 2020 đã giảm 7%, mức kỷ lục. Trong báo cáo thường niên được công bố ngày 11/12, "Dự án Carbon toàn cầu" đánh giá góp phần làm giảm lượng khí thải CO2 là việc nhiều nước trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế đi lại để chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Đây là báo cáo thường được trình bày tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc, vốn đã bị hoãn năm nay do đại dịch.

Mức giảm khoảng 2,4 tỷ tấn CO2 của năm nay lớn hơn nhiều so với các mức giảm kỷ lục được ghi nhận trước đó, như mức 0,9 tỷ tấn hồi cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, hay mức 0,5 tỷ tấn vào năm 2009, giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế thu thập dữ liệu thống kê cho báo cáo trên cho biết trong năm 2020, lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp ước tính tương đương 34 tỷ tấn CO2, vẫn là một phần đáng kể trong "ngân sách carbon" tồn tại trên Trái Đất.

Mức giảm phát thải rõ rệt nhất được ghi nhận tại Mỹ - với 12%, tiếp đó là Liên minh châu Âu  (EU)- với 11%. Tuy nhiên, theo đánh giá của dự án trên, lượng khí thải tại Trung Quốc có thể chỉ giảm 1,7% trong năm 2020 do Bắc Kinh nỗ lực phục hồi kinh tế.

[Nghị viện châu Âu ủng hộ mục tiêu cắt giảm 60% lượng khí thải nhà kính]

Tính theo lĩnh vực, phát thải từ giao thông vận tải giảm nhiều nhất, với lượng khí thải từ các loại ôtô giảm khoảng một nửa vào lúc đỉnh điểm của làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên hồi tháng 4 vừa qua.

Đến tháng 12, lượng khí phát thải từ các loại phương tiện giao thông vận tải đường bộ đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái và khí phát thải từ hàng không đã giảm 40%.

Khí phát thải từ các ngành công nghiệp - chiếm 22% tổng lượng khí thải toàn cầu - đã giảm 30% ở một số quốc gia áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất.

Theo nghiên cứu, tốc độ tăng phát thải khí CO2 trên toàn cầu đã bắt đầu giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo vẫn còn quá sớm để đánh giá lượng khí thải sẽ tăng trở lại nhanh đến mức nào trong năm 2021 và những năm sau đó.

Xu hướng phát thải trong dài hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19 của các nước.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được ký kết năm 2015, để hạn chế nhiệt độ tăng ở mức dưới 2 độ C, trong thập kỷ này thế giới cần cắt giảm lượng khí thải từ 1 đến 2 tỷ tấn mỗi năm. 

Trong tuần này, Liên hợp quốc cảnh báo rằng việc lượng khí thải giảm chưa từng có trong năm 2020 sẽ không tác động nhiều đến xu hướng Trái Đất ấm dần lên trong tương lai nếu thế giới không chuyển dần sang việc sử dụng năng lượng xanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục