Lượng khách đi tàu metro Cát Linh-Hà Đông đã tăng hơn 2,5 lần

Lượng hành khách đi tàu Cát Linh-Hà Đông đã tăng trưởng nhanh chóng và nhiều người đã quyết định chọn làm phương tiện đi lại chính trên dọc tuyến này.
Nhiều người đã chọn metro Cát Linh-Hà Đông làm phương tiện đi lại. (Ảnh: Bảo Anh/Vietnam+)
Nhiều người đã chọn metro Cát Linh-Hà Đông làm phương tiện đi lại. (Ảnh: Bảo Anh/Vietnam+)

Sau tám tháng đưa vào khai thác, vận hành, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã thu hút được đông đảo lượng khách chọn làm phương tiện đi lại.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Metro Hà Nội cho biết tuyến metro Cát Linh-Hà Đông đã vận hành được 254 ngày an toàn, khối lượng hành khách đã vận chuyển lên tới hơn 4,3 triệu khách.

Theo ông Trường, thời gian đầu, khách đi trải nghiệm nên lượng khách ở hai ga đầu cuối Cát Linh và Yên Nghĩa chiếm trên 50%, 10 ga còn lại chỉ chiếm gần 50%. Hiện tại, chủ yếu là khách có nhu cầu thực sự nên lượng khách phân bổ ở Cát Linh và Yên Nghĩa chỉ còn trên dưới 30%, còn 70% là khách trải đều 10 nhà ga khác.

Vị Tổng giám đốc Metro Hà Nội cũng đưa ra con số thống kê từ tháng 4/2022 đến nay, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, lượng khách đi tàu đã tăng hơn 2,5 lần so với trong thời gian giãn cách xã hội. Bình quân vận chuyển ngày thường 22.000-24.000 khách, cuối tuần 25.000-30.000 khách. Tỷ lệ khách đi vé tháng bình quân trong ngày trên 50%, giờ cao điểm khách sử dụng vé tháng chiếm 75-80%.

[Giá vé tàu Cát Linh-Hà Đông phù hợp với khả năng chi trả người dân]

Để nâng cao hiệu quả khai thác, ông Trường kiến nghị thành phố cần tạo điều kiện tiếp cận tốt nhất cho khách đến các nhà ga đường sắt đô thị, bao gồm tiếp cận đối với người đi bộ; người khuyết tật; người đi lại bằng phương tiện công cộng để di chuyển đến nhà ga (như xe bus, Grab…); người sử dụng phương tiện cá nhân trong giai đoạn đầu để tạo thói quen cho hành khách.

Ngoài ra, Hà Nội cần xây dựng chính sách giá vé hợp lý, đa dạng hóa hình thức thanh toán và với các loại vé phù hợp; tăng cường tính kết nối của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tạo thuận lợi tối đa cho hành khách di chuyển; tạo dựng văn hoá đi metro và nâng cao chất lượng dịch vụ...

Về phía khách hàng, anh Nguyễn Văn Bách (Phùng Khoang, Hà Nội) cho biết đã từ bỏ chiếc xe máy sau nhiều năm gắn bó để chọn đi tàu Cát Linh-Hà Đông.

Theo anh Bách, tuyến metro đầu tiên của cả nước này rất hiện đại, sạch sẽ, đúng giờ và đặc biệt có đường trên cao riêng biệt nên không rơi vào cảnh tắc đường.

“Vào các khung giờ cao điểm sáng và chiều, những hành khách đi metro là những người... hạnh phúc nhất bởi không bị nhích từng mét trên đường, hít thở khói bụi, tiếng còi xe. Chưa kể, quãng đường đi bộ từ nhà đến ga và đến chỗ làm cũng thay cho việc tập thể dục,” anh Bách chia sẻ.

Trong khi đó, chị Phan Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) lần đầu tiên trải nghiệm đi tàu metro đến trụ sở cơ quan đóng tại đường Trịnh Hoài Đức.

“So với xe máy, xe buýt thì đi tàu điện trên cao nhanh hơn rất là nhiều vì tắc đường là ‘đặc sản’ của Hà Nội vào mỗi buổi sáng đi làm. Trong khi đó, giá vé khoảng 10.000 đồng/lượt thì khá là rẻ và mua vé không phải xếp hàng mà trực tiếp ra máy bán vé tự động. Sau hôm nay, mình chắc chắn sẽ chọn tàu điện để đi làm thường xuyên bởi sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian vào buổi sáng,” chị Hà nhận xét./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục